Thiền viện Trúc Lâm An Giang tọa lạc tại Khu du Lịch lòng hồ số 2 thuộc ấp Đông Sơn 1 (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn). Thiền viện được khởi công xây dựng từ năm 2017, với lối kiến trúc truyền thống Phật giáo gồm 2 khu vực: Khu nội viện xây dựng trên núi gồm thiền đường, tăng đường và khu ngoại viện có diện tích 4ha xây dựng trên phần đất nền bên dưới (gồm các hạng mục như: Chánh điện, nhà tổ, hội trường, thiền đường).
Ngoài ra, còn có lầu chuông, chay đường và cổng tam quan cùng nhiều công trình khác, với tổng diện tích 11ha, tạo nên sự hài hòa nơi chốn non xanh làm say đắm lòng người. Không chỉ với mục đích tạo nên phong cảnh đẹp cho du khách dừng chân mà theo các sư thầy theo dòng Thiền phái Trúc Lâm, nơi đây còn là chốn non nước hữu tình, bát ngát thinh không, dễ làm cho lòng người mở rộng bao dung.
Khuôn viên Thiền viện Trúc Lâm An Giang rộng rãi, không gian thoáng mát, được bài trí cân đối và hài hòa tạo nên khung cảnh tĩnh mịch, thư thái. Điểm thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan chính là khu vực lòng hồ nằm phía sau chánh điện. Bên trái chánh điện có 2 ngọn đồi nhỏ nằm liền kề nhau vô cùng nên thơ, điểm chót trên ngọn đồi cao là điểm ngắm cảnh tuyệt nhất.
Từ đây, chúng ta có thể nhìn ngắm được trọn vẹn khung cảnh thiên nhiên khu thiền viện, có vách núi sừng sững sau lưng uốn mình bên hồ nước rộng mênh mông, mặt nước tĩnh lặng xanh trong, cảnh đẹp như tranh khiến ai đã một lần đến đây cũng không khỏi xao lòng. Trên ngọn đồi còn có nhiều gốc cây to và tảng đá để ngồi hóng mát với những cơn gió thổi vi vu, mát rượi. Khung cảnh bình yên nơi đây chắc chắn sẽ làm du khách quên đi mọi lo toan bộn bề trong cuộc sống, chỉ muốn thả hồn về với thiên nhiên.
Rời 2 đỉnh đồi để đi sâu vào trong sẽ đến khu vực 2 hồ nước, 1 hồ bên trái và 1 hồ bên phải, nước hồ trong xanh hòa quyện với mây trắng của bầu trời tạo nên bức tranh tuyệt tác của thiên nhiên. Ở cả 2 bên hồ đều nuôi rất nhiều cá do phật tử phóng sinh, nhìn ngắm đàn cá tự do tung tăng dưới nước hay “check-in” chụp ảnh là kỷ niệm đẹp khó quên khi du khách đặt chân đến nơi đây.
Chị Trần Trúc Lam (người dân thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) chia sẻ: “Từ ngày có thiền viện, tôi hay dẫn con đến chơi, cho con trai chạy xung quanh khuôn viên, ngắm đàn cá rồi cho cá ăn. Thấy con thích thú lòng mình cũng thư thái, tạm gác bao bộn bề công việc. Tôi bắt gặp nhiều gia đình đến vui chơi cũng có cùng tâm trạng như mình, đơn giản chỉ muốn tìm chút an yên”.
Vào khu vực chánh điện sẽ được chiêm ngưỡng những nét trang trí đặc biệt như sàn lót gạch màu đỏ và hầu hết cột gỗ đều được đặt trang trọng trên những tấm tán bằng đá xám vân mây, bên trên có chạm trổ hình hoa sen cách điệu. Chị Nguyễn Hồng Thủy (người dân TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Đã lâu rồi mình mới có dịp ghé thăm thiền viện, phần vì ngổn ngang công việc, phần vì cả năm xoay vần với nỗi lo dịch bệnh, nay mới có dịp thong thả ít hôm.
Nhờ những phút giây yên tĩnh tại nơi chốn hữu tình này tôi mới nhận ra rằng, thật ra cuộc sống này vốn đơn giản, đời người quý giá nhất là sức khỏe, con người biết sống yêu thương, chan hòa với nhau, vật chất “biết vừa là đủ”, quan trọng nhất là biết cân bằng cuộc sống, đừng để những áp lực, lo lắng thái quá đè nặng, thỉnh thoảng hãy cho mình những giây phút “sống chậm” , hấp thụ năng lượng an lành chốn thiền môn để trở về đời thường sẽ cảm thấy vui hơn”.
Ngày xuân, du xuân trên vùng đất Thoại Sơn, mọi người mong ước một năm mới bình an, hạnh phúc không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho cả dân tộc và thế giới, sẽ đầy đủ nghị lực và sức mạnh, sự lạc quan để vượt qua cơn dịch bệnh COVID-19. Kinh tế - xã hội rồi sẽ phục hồi, đời sống người dân rồi sẽ đủ đầy, viên mãn.
TRÚC PHA