Chộn rộn xóm ốc đồng “mi-ni”

04/11/2022 - 08:04

 - Nước lũ dâng cao, người dân xóm kênh Mặc Cần Dưng (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) vui mừng khấp khởi, vì được thiên nhiên hào phóng ban tặng nhiều nguồn lợi thủy sản. Ngoài chuyện khai thác cá, tôm, những nông dân “chân đất” nơi đây còn “kiêm” thêm nghề cào ốc đồng “mi-ni”, kiếm thêm thu nhập trong mùa nước nổi.

Đường quê vui nhộn

Mờ sáng, chiếc máy sàng ốc bươu tự chế, hiệu “Made in nông dân” nổ xịt khói bay ngút trời cao, xóa tan nỗi buồn quạnh quẽ ở khúc kênh Mặc Cần Dưng. Hàng chục trai tráng trong xóm, hì hục khuân vác những bao ốc đồng nặng trịch từ dưới ghe lên bờ. Cạnh đó, các anh trung niên thoăn thoắt mở miệng bao, đổ ốc vào chiếc máy. Công việc của họ chia nhau làm từng khâu thật nhịp nhàng, tạo nên một dây chuyền phân loại ốc sinh động mùa nước nổi. Anh Trần Thanh Quyền (xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, chủ vựa thu mua ốc đồng nổi tiếng kênh Mặc Cần Dưng) bày tỏ, giờ đây, ốc đồng đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ nông dân có thêm thu nhập ổn định trong mùa nước nổi.

Bám nghề buôn ốc đồng lâu năm nên anh Quyền được anh em “tín nhiệm” bầu làm “chủ tướng” của đội quân buôn ốc. Anh Quyền kể rằng, ngày trước, mỗi khi cào cá trên đồng lũ nếu bắt dính con ốc đồng “mi-ni”, mọi người mạnh dạn đổ bỏ. Thế nhưng, về sau, con ốc này là nguồn lợi sinh kế cho nhiều nông dân ở đây. Cũng nhờ con ốc đồng nên anh Quyền “se duyên” với nghề buôn ốc tới bây giờ. “Ốc bằng đầu ngón tay chỉ làm thức ăn cho vịt chạy đồng. Nhưng chúng sinh sản với số lượng quá nhiều, vịt ăn không hết, đành phải đổ bỏ. Cách đây 10 năm, tui gặp tiểu thương ở miệt dưới chạy xe lên thu mua ốc “mi-ni”. Sau đó, hỏi ra mới biết họ mua về làm thức ăn cho tôm sú, tôm thẻ và cua biển... Thấy vậy, tui mới đặt bà con trong xóm thu mua ốc đồng” - anh Quyền nhớ lại.

Nguồn ốc đồng được tiêu thụ mạnh, người dân mạnh dạn đầu tư ghe, ngư cụ khai thác trên đồng lũ. Từ đó, xóm kênh Mặc Cần Dưng có hàng trăm hộ “sống khỏe” với nghề cào ốc. Riêng anh Quyền được dân nuôi tôm khắp nơi biết tới. Dạo trước, dù mới ra nghề buôn ốc, anh Quyền đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các ngư dân nuôi tôm ở miền Trung. Khách hàng ngày càng nhiều, một mình buôn ốc không xuể, anh Quyền huy động thêm 5 anh em trong gia đình cùng tham gia vào nghề buôn ốc “mi-ni”.

“Nghề tay trái hái ra tiền”

Mặc dù nghề cào ốc, buôn ốc đồng được xem là nghề “tay trái” trong mùa nước nổi. Tuy nhiên, với nhu cầu của ngư dân chăn nuôi thủy sản nên hiện nay nghề này được xem là nghề “hái ra tiền”, tạo thu nhập ổn định đối với người dân vùng quê. Từ một loài giáp xác xuất hiện nhiều trong mùa lũ, tưởng chừng như bỏ đi, nhưng hiện tại, giá ốc đồng “mi-ni” được tiểu thương thu mua từ 1.500-2.000 đồng/kg.

“Năm nay lũ lớn, nguồn ốc sinh sản nhiều trên đồng (chủ yếu là ốc bươu vàng), người dân đi cào ngày nào cũng thu hoạch nhiều ốc “mi-ni”. Nhờ vậy, bà con có đồng vô, đồng ra trong mấy tháng lũ. Mỗi buổi tối, 1 ghe cào ốc có thể thu hoạch từ 500-1.000kg ốc. Với giá bán 2.000 đồng/kg, mỗi gia đình cào ốc thu nhập hơn 1 triệu đồng/đêm” - anh Quyền cho hay.

Chiều tà, có dịp ngang qua kênh Mặc Cần Dưng mới thấy hết cảnh huyên náo của người dân chạy ghe đi cào ốc. Bà con đi bắt ốc đồng được ví von như “cánh vạc ăn đêm”. Khi thì ồn ào nổ máy “cày” trên đồng nước, lúc thì lặng lẽ cam chịu sương lạnh ngồi lựa ốc trong đêm. “Nghề cào ốc tuy cực, nhưng bù lại có thu nhập khá trong mùa lũ” - chị Tư Hân (ngư dân đang lựa ốc) cười khúc khích. Cũng nhờ bà con cào ốc mà diệt được số lượng lớn ốc bươu vàng sinh sản trong mùa nước nổi, giúp nông dân canh tác lúa thuận lợi.

“Nhà tui 5 nhân khẩu, mỗi ngày, cào ốc thu hoạch hơn 1 tấn, bỏ chi phí ăn uống, xăng, dầu, thu nhập nghót ngét hơn 1 triệu đồng/ngày. Do đó, gia đình tui không phải lên tỉnh Bình Dương tìm việc làm ở các khu công nghiệp” - Hai Phương (ngụ xã Vĩnh Hanh) bày tỏ. Để con ốc còn tươi rói đến ngư dân chăn nuôi thủy sản ở các tỉnh xa, những tiểu thương sử dụng xe tải đông lạnh để vận chuyển. Nguồn ốc đưa đến tận nơi, giữ nguyên độ tươi, sống.

Anh Quyền tâm sự: “Hồi trước, chưa nắm kỹ thuật, tui dùng nước đá ướp ốc. Với cách làm này, ngư dân ngoài miền Trung không chịu, vì cho tôm ăn dễ bị nhiễm bệnh. Sau này, tui dùng xe tải đông lạnh, chở ốc ra tận miền Trung…”. Nghề bắt ốc, buôn ốc đồng không những giải quyết việc làm cho nông dân mà còn tạo thu nhập khá cho khoảng 100 thanh niên đảm nhận công việc bốc vác để giao cho khách hàng.

Trải qua quá trình lao động vất vả, người nông dân biết cách sống “thuận thiên”, biến lũ trở thành điều kiện thuận lợi để khai thác giá trị sản vật do thiên nhiên ban tặng. Giờ đây, họ không phải lo chuyện “ly hương” lên phố thị mưu sinh gian truân.

“Nhiều người dân ở khu vực này có được nguồn thu nhập là nhờ ốc đồng. Khuân vác mỗi tấn ốc có thể kiếm được 150.000-200.000 đồng, trung bình mỗi buổi sáng, 1 người vác từ 2-3 tấn ốc, bỏ túi ngót nghét 300.000-400.000 đồng…” - anh Phú (người bốc vác ốc tại kênh Mặc Cần Dưng) tâm sự.

THÀNH CHINH

 

Liên kết hữu ích