Chống buôn lậu là việc làm thường xuyên, lâu dài

18/02/2019 - 07:46

 - Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh Lê Văn Nưng với các đơn vị chức năng tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (CBL, GLTM&HG) năm 2019 và những năm tiếp theo.

Kết quả

Năm 2018 kết thúc, đánh dấu một năm công tác đấu tranh CBL,GLTM&HG trên địa bàn tỉnh đã gặt hái nhiều kết quả đáng tự hào. Các lực lượng chức năng đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng buôn lậu (đối với 2 mặt hàng thuốc lá điếu và đường cát nhập lậu), lập lại trật tự ở khu vực biên giới lẫn nội địa. Hàng lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng từng bước được đẩy lùi, góp phần bảo vệ nền sản xuất trong nước, giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi mua các sản phẩm để sử dụng. “Khoảng 5 năm trước đây, khi ra chợ Châu Đốc hoặc Tịnh Biên mua dầu gió, xà bông tắm, nước hoa mang về sử dụng thì sợ mua phải hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nay nhờ các lực lượng chức năng kiểm soát được thị trường nên tôi an tâm khi mua các mặt hàng này” - bà Trương Thị Lài (thị trấn Tịnh Biên, Tịnh Biên) khẳng định.

Có được kết quả trên do năm 2018, BCĐ 389 tỉnh đã chỉ đạo, phân công, phân nhiệm vụ cho 4 lực lượng chính tham gia đấu tranh CBL,GLTM&HG một cách rõ ràng, khoa học. Kết quả, năm  2018, đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 1.651 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu (so với cùng kỳ giảm 24,5%). Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ trên 32,4 tỷ đồng, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu 23,8 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã khởi tố 39 vụ, với 51 đối tượng, trị giá tang vật khởi tố trên 4,9 tỷ đồng; đã bắt giữ 958.630 gói thuốc lá và 347.358kg đường cát nhập lậu. Cơ quan Thường trực BCĐ 389 tỉnh làm đầu mối, tổ chức thu gom, tiêu hủy 3 đợt với tổng số lượng 820.074 gói thuốc lá các loại.

Chống buôn lậu là việc làm thường xuyên, lâu dài

Tang vật được bắt giữ trong các chuyên án chống buôn lậu do lực lượng công an tỉnh thực hiện

Giải pháp

An Giang là tỉnh có đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp với 2 tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia). Có 5 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính và 1 cửa khẩu phụ. Với địa hình đồng ruộng bằng phẳng, có nhiều sông rạch, đường mòn, lối mở thông qua biên giới, là điều kiện thuận lợi để đối tượng buôn lậu đưa hàng qua biên giới, vào sâu nội địa để tiêu thụ. Buôn lậu trên địa bàn tỉnh vẫn còn hoạt động, bởi nhu cầu tiêu thụ đối với các mặt hàng nhập lậu còn rất lớn.

Vào những dịp lễ, Tết, nhu cầu tăng một cách “đột biến”. Đi cùng với đó là sự chênh lệch về giá và chất lượng giữa hàng hóa nhập lậu với hàng sản xuất trong nước, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách đưa hàng qua biên giới, vào sâu trong nội địa để tiêu thụ, kiếm lời. “Trước thực tế này, BCĐ 389 tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, UBND tỉnh về công tác CBL,GLTM&HG, làm thế nào trong thời gian tới, lĩnh vực này phải có nhiều chuyển biến mới, góp phần kiểm soát và hạn chế được tình trạng buôn lậu” - ông Lê Văn Nưng thông tin.

Theo đó, BCĐ 389 tỉnh đã phân công lực lượng hải quan, biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm; các đường mòn, lối mở… Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cục Quản lý Thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các tụ điểm, kho chứa, bến bãi tập kết hàng lậu… Với những giải pháp vừa nêu, hy vọng năm 2019 và những năm tiếp theo, tình hình CBL,GLTM&HG trên địa bàn sẽ tiếp tục được kiểm soát, góp phần bảo vệ được nền sản xuất trong nước, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng.

“Phải mới mẽ trong suy nghĩ, sáng tạo trong cách làm, nhịp nhàng trong phối hợp. Với vai trò là người đứng đầu của đơn vị, các đồng chí lãnh đạo lực lượng phải nêu gương trong suy nghĩ, hành động, lối sống; phải tăng cường, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong nội bộ mình để cán bộ, chiến sĩ không nhúng chàm” - ông Lê Văn Nưng nhắc nhở.

Bài, ảnh: MINH HIỂN