Chống dịch trong tình huống quá tải F0

22/07/2021 - 08:06

Không chỉ ngành y tế đang cố tìm ra cách chống dịch COVID hiệu quả nhất. Người dân bình thường cũng đang tham gia vào các biện pháp mà Chính phủ, chính quyền sở tại triển khai.

Những ngày gần đây, dịch lan rộng ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác ở phía Nam. Chưa bao giờ thấy tần suất xuất hiện của Thủ tướng để chống dịch lại nhiều như vậy: Họp Chính phủ, họp thường trực Chính phủ, chủ trì họp trực tuyến rộng với các bộ, các tỉnh, họp trực tiếp hẹp, rồi trực tiếp đi địa phương nắm tình hình và chỉ đạo...

Bên cạnh đó là một Ban chỉ đạo của Chính phủ hoạt động liên tục. Gần như có riêng hẳn một Phó Thủ tướng đặc trách chống dịch. Cho dù đã tăng cường khá mạnh nhân lực, thiết bị, sinh phẩm y tế cho các tỉnh nguy cấp, gia tăng các biện pháp ngăn ngừa lây lan... nhưng nhìn chung kết quả còn khiêm tốn.

Bệnh viện dã chiến ở Thuận Kiều Plaza (TP.HCM) sẵn sàng đón 1.000 F0 điều trị. Ảnh: Thanh Tùng

Dịch tiếp tục bùng phát trên diện rộng bất chấp mọi nỗ lực phòng, chống. Căn nguyên ở đâu nhỉ? Phải rõ cái này thì chống dịch mới hiệu quả. Thủ tướng Phạm Minh Chính nói phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, từng người dân phải có ý thức và trách nhiệm phòng, chống dịch. Và vì vậy, mặc dù ngoại đạo, tôi vẫn muốn viết ra đôi điều về cách chúng ta chống dịch.

Phải khẳng định cách thức chống dịch năm 2020 cơ bản là phù hợp và mang lại kết quả tốt. Đặc trưng cơ bản của 2020 là dịch phát ở quy mô nhỏ, lại chưa xuất hiện nhiều biến chủng virus. Thắng lợi kép của năm 2020 đã ghi lại dấu ấn đặc biệt của nó, tức là cứ làm theo cách đã được thử thách thành công này.

Nhưng 2021 đã khác. Cách cũ nghĩa là ai đó ở khu dân cư hoặc chung cư nào đó bỗng nhiên bị phát hiện dương tính thế là cả một đoạn phố xá, cả một chung cư với hàng nghìn người đang sinh sống bị phong tỏa. Tương tự là cả một nhà máy với cả chục nghìn công nhân. Tiếp theo phong tỏa là truy vết, xét nghiệm, điều trị... Khi con số lây nhiễm là rất lớn thì việc truy vết tìm ra F0, F1, F2... rất gian nan và tốn kém.

Nhìn vào tình hình diễn biến dịch mấy ngày nay thì quả là lo ngại. Dịch lan rộng, ngoài đường chắc không ít F0, F1 đi lại mà không bị phát hiện. Bệnh viện quá tải, lực lượng y tế gồng mình chống dịch mấy tháng trời đang rất mệt mỏi, các nơi cách ly đã kín chỗ. Chúng ta hãy nhìn vào sự thật là lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch đang dần kiệt sức để thấy hiểm họa khôn lường. Không có lực lượng chuyên môn này, không thể nói chống dịch lâu dài hiệu quả.

Phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng

Tình hình thực tiễn cho thấy đã đến lúc cần xem xét để định ra một cách thức chống dịch hiệu quả nhất. Năm 2020, ngành y tế đã tham mưu chuẩn cho Chính phủ cách thức, các biện pháp để chống dịch thì không có lý gì 2021 và các năm sau lại không đề xuất được phương án lý tưởng nhất. Người dân bình thường vẫn tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào ngành y tế giờ phút này. 

BS Trần Thanh Linh (người điều trị thành công cho 'bệnh nhân 91' phi công Anh) chỉ đạo công tác chữa trị tại BV Hồi sức Covid-19, TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Virus chắc chắn vẫn tiếp tục tồn tại. Đây là khẳng định của các nhà khoa học. Và điều đó có nghĩa là chúng ta phải sống chung với nó, giống như với các loại khác như cúm, sởi... Sống chung với virus thì miễn dịch cộng đồng là phương thức cơ bản để sống chung được an toàn. Và tiêm chủng vắc xin là con đường duy nhất hiệu quả tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Gần đây, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo mạnh để nhanh chóng có được vắc xin. Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội cũng rất tích cực và trách nhiệm trong câu chuyện ngoại giao vắc xin. Rất hiếm khi, cả 4 vị lãnh đạo cao nhất của đất nước cùng vào cuộc theo kiểu này.

Những biện pháp khác đang triển khai gần đây cũng chứng tỏ có sự thay đổi lớn trong chống dịch so với năm 2020. Chẳng hạn như TP.HCM cho phép F0 đủ điều kiện được cách ly tại nhà.

Về nguyên tắc, đây là biện pháp đúng. Khi dịch lan rộng như kiểu hiện nay, sẽ không có đủ cơ sở cách ly, cơ sở chữa trị. Kinh nghiệm đã được kiểm chứng của nhiều nước là đa phần người nhiễm ở trạng thái nhẹ, có thể điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn chuyên môn của y tế. Chỉ những ca nặng mới chuyển đến bệnh viện điều trị. Có như vậy mới tránh được quá tải bệnh viện và cũng là bảo vệ được lực lượng y tế để lâu dài chống dịch.

Như vậy, phải chăng nên có sự thay đổi trong phòng chống dịch theo hướng chủ yếu là phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng, sống chung với Covid lâu dài. Trong lúc chưa đạt được miễn dịch cộng đồng, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp tốt như 5K bên cạnh các biện pháp mới như cách ly F1, F0 tại nhà, xét nghiệm diện rộng...

Mặt khác, cần coi trọng công tác tuyên truyền rộng trong xã hội về các biện pháp phòng, chống dịch. Phương châm, khẩu hiệu cần đơn giản, dễ hiểu. Hết sức cần thiết nói rõ người dân không được làm gì, chính quyền được làm gì trong phòng, chống dịch.

Cũng đừng nhấn trách nhiệm người đứng đầu hành chính địa phương thái quá đến mức bản thân họ vì lo lắng, sợ trách nhiệm lại ban hành những biện pháp cực đoan không cần thiết, làm tổn hại đến cuộc sống vốn đã bị xáo trộn ít nhiều của người dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo ĐINH DUY HÒA (Vietnamnet)