Chiếc trẹt của tổ 13 trên sông Bình Di được chằng chéo thường xuyên
Tổ phòng, chống dịch COVID-19 số 3 (Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình - Bộ đội Biên phòng An Giang) được đặt trên một chiếc trẹt, mà các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) gọi vui là “du thuyền”. Khi biên giới đóng cửa, chủ bến khách ngang sông chuyển sang sinh sống bằng nghề khác. Họ gửi chiếc trẹt nhỏ lại để bộ đội trưng dụng chống dịch. Trẹt được neo cạnh biên giới đường sông giữa Việt Nam và Campuchia, địa phận xã Khánh An (An Phú). Từ trong bờ muốn ra đó, phải đi vỏ lãi.
Hôm đầu tiên tôi ghé, chốt vẫn còn khá “lụp xụp”, vì bị bao phủ bởi mảnh bạt lớn che mưa, nắng. 2 tuần sau, một mái tole chắc chắn “mấy người leo lên cũng không sao” đã được thay thế. Các CBCS dành chỗ để 2 chiếc bàn, ghế nhựa “tiếp khách”, sinh hoạt, phía trong là nơi nấu nướng, ăn nghỉ. Sau nhiều tháng, các mảnh ván trẹt sạch bóng vì được lau chùi, ma sát thường xuyên.
Mặt sông Hậu êm ả, không thấy dấu hiệu của mùa nước nổi đặc trưng, thi thoảng mới có tàu xuồng lướt ngang. Vậy mà, cái chòng chành rất khẽ ấy vẫn đủ làm tôi… say sóng. Anh Nguyễn Việt Quang (Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự xã Quốc Thái, An Phú, được tăng cường về tổ) chia sẻ: “Có đồng chí phải mất 2-3 ngày mới quen được nhịp sinh hoạt trên “du thuyền”. Nửa đêm đang ngủ, một phương tiện chạy ngang làm rung lắc chiếc trẹt, muốn ngủ lại khó vô cùng! Đó là chưa kể những hôm trời mưa bão, ai nấy đều ướt mem, phải thức canh tứ phía, ôm cột và các góc bạt để đừng bị tốc bay”.
“Cách chừng 200m bên kia sông là địa phận của Campuchia, rất dễ dàng qua lại. Mình “canh” đối tượng, thì đối tượng cũng “canh” mình, lợi dụng thời điểm sức khỏe và tầm nhìn của lực lượng bị hạn chế để xâm nhập. Do đó, chúng tôi chia nhau canh gác ở 3 địa điểm khác nhau, bảo đảm giữ vững đoạn biên giới phụ trách. Màn đêm buông xuống, mắt “quáng gà” thì phải lắng tai nghe tiếng phương tiện di chuyển xung quanh. Để bắt buôn lậu, chúng tôi phải tổ chức mật phục thường xuyên” - thiếu tá Đào Văn Phong (tổ trưởng) kể lại.
Mọi sinh hoạt đều được thực hiện trên trẹt
Không “nằm thoi loi” giữa sông như tổ số 3, chiếc “du thuyền” của tổ 13 nằm nép mình bên bờ sông Bình Di (thuộc địa phận xã Khánh Bình), được chằng chéo rất chắc chắn. Chiếc trẹt chừng vài mét vuông là nơi công tác, sinh hoạt của 3 CBCS.
Trung tá Hà Minh Tuấn (tổ trưởng) thông tin: “Chúng tôi thường xuyên “lên bờ”, đến tận nhà tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh và chống xuất nhập cảnh trái phép cho bà con trong khu vực quản lý. Khi các phương tiện di chuyển trên sông có dấu hiệu bất thường, tổ sẽ dùng loa cầm tay hướng dẫn, nhắc nhở người dân; đẩy đuổi người xâm nhập trái phép. Trường hợp cố tình vi phạm, không dừng lại theo yêu cầu thì tổ dùng phương tiện truy đuổi, báo cáo về đồn xử lý”.
Thượng tá Nguyễn Hoài Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình cho biết, đơn vị quản lý đoạn biên giới 15,3km. Trong đó hơn 10km đường sông, nhiều lồng bè neo đậu…, ảnh hưởng đến tầm quan sát, khó cơ động lực lượng xử lý tình huống phát sinh, nếu đặt tổ chốt trên bờ như các địa bàn khác. Vì vậy, Đảng ủy, Chỉ huy Đồn nghiên cứu, quyết định đặt 7 chốt phòng, chống dịch trên trẹt và lồng bè của người dân.
Cán bộ, chiến sĩ canh gác ở chốt “du thuyền” số 3 trên sông Hậu
“Qua công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương, của CBCS đồn, cùng với thông tin đại chúng, người dân hiểu rõ việc phòng, chống dịch bệnh là hết sức cần thiết, nên ủng hộ chúng tôi rất nhiệt tình. CBCS sẽ chia nhau canh gác ở từng địa điểm cụ thể. Những đoạn biên giới ở xa, không thể quan sát bằng mắt thường, tổ công tác thường xuyên dùng vỏ lãi tuần tra, kiểm soát chặt chẽ. Sau nhiều tháng thành lập, các tổ, chốt này mang lại hiệu quả rất cao.
Việc qua lại trái phép biên giới, buôn lậu hàng hóa hầu như không còn nữa, hoặc đã bị phát hiện, xử lý ngay từ ban đầu. Điều đáng khích lệ là dù tổ, chốt trên sông rất bất tiện, vất vả trong sinh hoạt, nhưng các đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng khắc phục, làm quen môi trường mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - thượng tá Nguyễn Hoài Linh thông tin thêm.
Khi viết những dòng này, tôi còn cảm thấy chút lắc lư, bồng bềnh tựa như đang đứng ở “du thuyền”. Tôi nhớ lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trong nắng gió biên cương; nhớ nụ cười tươi trên gương mặt rắn rỏi, đen sạm của các CBCS tổ, chốt; nhớ bữa ăn hanh hao trưa muộn dập dềnh theo sóng nước. Chỉ duy nhất có một điều chẳng thể nào lay chuyển được: lòng tin của chúng tôi về ngày “hết giặc”. Ngày ấy, những chiếc trẹt, chiếc bè cá sẽ được trở về với người dân, mọi nhịp sống, công tác ngày thường sẽ được khôi phục. Tất cả sẽ trở thành ký ức khó phai mờ trong thời quân ngũ của các thành viên tổ, chốt phòng, chống dịch!
Bài, ảnh: GIA KHÁNH