"Món hàng" béo bở
Chỉ ra vấn đề này tại phiên thảo luận ngày 26/11 trên nghị trường Quốc hội, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương khẳng định, người sử dụng không hề biết thông tin cá nhân của mình bị lộ, lọt ra từ đâu. Họ cũng không thể ngờ được rằng, thông tin bí mật cá nhân lại có thể trở thành món hàng để đối tượng mua bán trao đổi công khai, thu lại số tiền phi pháp không hề nhỏ. Họ tên, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, địa chỉ, điện thoại, số tài khoản, chức vụ... đều trở thành một phần trong món hàng.
"Hiện tại, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có Nghị định 13/2023/NĐ-CP, ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, chưa có văn bản luật nào quy định vấn đề này. Vì vậy, cử tri và Nhân dân kỳ vọng rất nhiều vào sự ra đời của Luật Dữ liệu. Tôi kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo ngành chức năng tích cực hơn nữa trong việc tìm giải pháp hiệu quả, sớm chấn chỉnh tình trạng này, để thông tin của mỗi cá nhân sẽ được giữ gìn và bảo vệ, nhất là trên không gian mạng" - ĐBQH Trần Thị Thanh Hương bày tỏ.
Một trang web "chia sẻ" dữ liệu đủ loại khách hàng
Người dân còn trở thành "con mồi" cho tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Rất nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi đã diễn ra thời gian qua, như: Tạo lập trang mạng giả mạo cơ quan công an, tư pháp, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng dịch vụ công, nhằm thực hiện hành vi tội phạm; tổ chức đánh bạc, “tín dụng đen”; tấn công mạng để chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của người có ảnh hưởng, sau đó đổi tên, tán phát thông tin, hình ảnh quảng cáo trục lợi…
Tăng cường cảnh báo
Chỉ trong năm 2024, đã có 1.100 vụ đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên Internet bị phát hiện, triệt phá, tăng gấp 2 lần so năm 2023; gần 600 đối tượng phạm tội, tăng gần 24%; 658 bị can khởi tố mới, tăng trên 57%. Sự phát triển của khoa học - kỹ thuật nói chung và công nghệ thông tin, mạng viễn thông nói riêng mang lại nhiều tiện ích, đồng thời trở thành môi trường hoạt động mới cho tội phạm. Cơ quan chức năng ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật; khởi tố 1.521 vụ phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông.
“Tôi đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo, liên tục cảnh báo hành vi, thủ đoạn các loại tội phạm để người dân được biết. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Cơ quan chức năng cần khai thác hiệu quả tiện ích của trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, TikTok…) để đăng tải, cập nhật thông tin cảnh báo về tội phạm, nhất là khu vực nông thôn, miền núi; có giải pháp mạnh mẽ hơn để phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm trên không gian mạng, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, loại bỏ hoàn toàn sim rác" - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh đề nghị.
Cũng theo đại biểu, giải pháp hữu hiệu khác là đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ; thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Ngành chức năng tiếp tục rà soát quy định còn bất cập, còn thiếu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình mới. Ngoài ra, để đấu tranh hiệu quả loại tội phạm này, Chính phủ cần đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo điều kiện làm việc, đáp ứng yêu cầu công tác cho các lực lượng.
ĐBQH Trình Lam Sinh cho biết thêm: "Tăng cường hợp tác quốc tế cũng là giải pháp hữu hiệu. Hiện nay, tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản là tội phạm phi truyền thống, xuyên quốc gia. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường hợp tác quốc tế, tiến hành ký kết hiệp định tương trợ tư pháp, nhất là hoạt động hợp tác, theo dõi và thúc đẩy an ninh mạng ở khu vực, quốc tế; hợp tác đa quốc gia trong việc ngăn ngừa, chống lại tội phạm về an ninh mạng".
Ngày 26/11/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 50/2024/TT-NHNN, quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng. Các đơn vị trực thuộc phải áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu khách hàng theo quy định của pháp luật. Thông tin sử dụng để xác nhận giao dịch của khách hàng (bao gồm mã khóa bí mật, mã PIN, thông tin sinh trắc học) khi lưu trữ phải áp dụng biện pháp mã hóa hoặc che dấu. Có biện pháp quản lý truy cập, tiếp cận thiết bị, phương tiện lưu trữ dữ liệu của khách hàng để phòng, chống nguy cơ lộ, lọt dữ liệu
|
GIA KHÁNH