Cách nay hơn 10 năm, Hưng Long tự được người dân địa phương gọi bằng tên chùa Dơi, bởi không biết từ đâu có đến hàng ngàn con dơi về trú ngụ trên những cây cao phía hậu viện chùa.
Theo lời kể của những người dân sống gần Hưng Long tự, vào thời điểm tháng 7 (âm lịch) của hơn 10 năm trước, họ phát hiện có đến vài trăm con dơi to đậu trên các thân cây cao trong chùa, vài ngày sau có thêm đàn dơi mới đến nâng tổng số lên cả ngàn con.
Từ đó đến nay, cứ vào tháng 5 (âm lịch) hàng năm, đàn dơi lại lác đác bay về, ban ngày trú ngụ trên các ngọn cây, khi hoàng hôn buông xuống chúng “líu ríu” gọi nhau, tản ra đi kiếm ăn, đến sáng sớm hôm sau mới trở về nghỉ ngơi trong sự yên tịnh của Hưng Long tự. Đàn dơi tập trung đông nhất vào tháng 7 (âm lịch), gần cuối năm thì rời khỏi chùa.
Giai đoạn đầu thấy bầy dơi chọn nơi đây làm nơi tụ hội, người dân trong vùng cho đó là điều kỳ lạ, vì hiện tượng này chưa từng xảy ra...
Dần dần, người ta xem việc đến mùa dơi bay về là điều hiển nhiên, cứ đến khoảng cuối tháng 5 (âm lịch) mà chưa nghe tiếng dơi kêu trên ngọn cây thì bắt đầu mong ngóng.
Dù đàn dơi tụ về rất đông, nhưng người dân trong vùng chẳng ai phiền hà, vì từ trước đến nay chúng chỉ ăn trái của những cây gáo trong vùng, chứ chưa từng bay vào vườn của người dân phá cây trái.
Những đàn dơi trú ngụ ở Hưng Long tự hầu hết là dơi quạ, có con nặng gần 1,2kg, 2 sải cánh bung ra dài trên 1m. Cho rằng đây là loài dơi quý nên các sư trong chùa và những người dân trong vùng ra sức bảo vệ, ngăn không cho săn bắn.
Đã hơn 10 năm trôi qua, đàn dơi mỗi năm đều lũ lượt bay về. Có người đoán chúng đến từ chùa Dơi ở Sóc Trăng (nơi nổi tiếng có rất nhiều dơi cư trú), có người lại đoán có thể chúng đến từ núi Cấm (Tịnh Biên) hay miệt rừng U Minh (Cà Mau)…
Tuy nhiên, dù đến từ đâu thì người dân địa phương đều cho rằng đàn dơi đã tạo nên điểm nhấn thú vị cho Hưng Long tự, để khi khách đến viếng chùa, giữa khung cảnh yên tĩnh, có tiếng kêu xen lẫn tiếng đập cánh loạn xạ của chúng tạo nên cảm giác gần gũi với thiên nhiên, giúp lòng người nhẹ bớt ưu phiền.
MỸ LINH