Thế giới internet ngày càng phát triển với hàng triệu thiết bị từ điện thoại thông minh tới máy tính xách tay hay máy tính bảng kết nối liên tục từng phút từng giây. Gần như 100% các thiết bị ấy đều kết nối internet thông qua hệ thống mạng không dây Wi-fi với chuẩn bảo mật WPA2.
Chuẩn bảo mật WPA2 đang bộc lộ rất nhiều điểm yếu.
Tồn tại trong suốt gần 15 năm qua, chuẩn bảo mật không dây WPA2 đã bắt đầu bộc lộ ra rất nhiều nhược điểm nguy hiểm, nếu không muốn nói là "chết người". Khi có nhiều người cùng kết nối chung vào một mạng Wi-fi, chuẩn WPA2 bộc lộ điểm yếu đó là khả năng mã hóa bảo mật đường truyền gần như không có.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu trong mạng Wi-fi có một tin tặc "xấu tính" nào đó, hắn có thể dễ dàng can thiệp vào kết nối, xem thông tin của mọi thiết bị khác trong mạng. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người dùng truy cập internet không dây tại các điểm công cộng như quán cà phê, nhà hàng, khu vui chơi…
Một lỗ hổng khác được đánh giá là nghiêm trọng nhất trên chuẩn bảo mật WPA2 đó là KRACK (Key Reinstallation Attack). Thông qua lỗ hổng này, tin tặc có thể đánh chặn và giải mã dữ liệu trên đường truyền Wi-Fi giữa máy tính và thiết bị phát Wi-Fi.
Quá nhiều nguy hiểm trên chuẩn WPA2 đã thôi thúc các chuyên gia đưa ra chuẩn WPA3 mới nhằm khắc phục những điểm yếu trên. WPA3 tăng cường cho hệ thống khả năng chống lại các cuộc tấn công mạng theo kiểu đăng nhập mật khẩu nhiều lần. Cùng với đó dữ liệu cá nhân của người dùng khi truy cập hệ thống sẽ được bảo mật mã hóa với mức cao hơn.
Ngoài việc hướng đến khả năng bảo mật cho người dùng cá nhân. Chuẩn WPA3 cũng tăng cường khả năng mã hóa cao cho các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp hay quốc phòng với việc trang bị tiêu chuẩn bảo mật 192-bit.
Theo dự kiến, chỉ đến cuối năm nay, những thiết bị đầu tiên hỗ trợ chuẩn bảo mật WPA3 được Tổ chức Wi-fi quốc tế chứng nhận sẽ ra mắt thị trường.
Theo B.CHÂU (Công an nhân dân)