Cảng Quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng. Ảnh tư liệu: Đức Nghĩa/TTXVN phát
Theo Bộ Giao thông Vận tải, cảng số 3, số 4 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 9/10/2019 và giao Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng là nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư 6.946 tỷ đồng.
Dự án sẽ xây dựng 2 bến container cho tàu tải trọng tới 100.000 DWT (tương đương sức chở 8.000 TEUs), chiều dài 750 m, rộng 50 m; bến sà lan, dịch vụ cho tàu có sức chở đến 160 TEUs (3.000 DWT), dài 250 m, rộng 15 m; kè bảo vệ bờ; hệ thống bãi chứa hàng, đường giao thông, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trên diện tích 47 ha. Các thiết bị chính phục vụ khai thác là 6 cần trục STS trên bến chính; 24 cần trục RTG; 2 xe nâng RSD; 1 xe nâng vỏ container; 50 đầu kéo + rơ-moóc; 1 cầu trục xưởng sửa chữa; 8 cân xe tại cổng cảng và phần mềm quản lý vận hành cảng TOS.
Hiện chủ đầu tư là Công ty cổ phần cảng Hải Phòng đang tiến hành lựa chọn nhà thầu gói thầu EC (thiết kế + thi công) và sẽ hoàn thành bước lựa chọn nhà thầu trong thời gian tới. Nếu công trình khởi công trong tháng 12 này hoặc đầu tháng 1/2022, chủ đầu tư sẽ đưa vào khai thác bến số 3 trong tháng 12/2023, hoàn thành bến số 4 vào tháng 6/2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện bến cảng số 1, số 2 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện đã được Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đầu tư với các thiết bị bốc dỡ thuộc loại hiện đại, tiên tiến trên thế giới, đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2018 với công suất thiết kế khoảng 1,1 triệu TEU/năm. Lượng hàng hóa thông qua 2 bến cảng năm 2019, 2020 đạt lần lượt 353.632 TEUs; 659.684 TEUs.
Trong một diễn biến liên quan, dự án đầu tư các bến số 5, số 6 của Cảng Lạch Huyện cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 299/QĐ-TTg ngày 4/3/2021. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco, với tổng vốn đầu tư 6.425 tỷ đồng, diện tích dự kiến gần 60 ha.
Hai bến container có tổng chiều dài 750 m (mỗi bến dài 375 m), tiếp nhận cỡ tàu đến 100.000 DWT (8.000 TEUs); 1 bến sà lan tiếp nhận tàu, sà lan sức chở 48 TEUs; các công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện.
Các thông số trên dựa trên Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014.
Tuy nhiên, theo quy hoạch tổng thể hệ thống phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, cỡ tàu container tại Khu bến cảng Lạch Huyện có sức chở từ 6.000 TEUs đến 18.000 TEUs. Do đó, cuối tháng 7/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh cỡ tàu tiếp nhận tại bến cảng này từ 12.000 TEUs lên 18.000 TEUs; chiều dài bến từ bến số 5 về phía hạ lưu là 450 m/bến; bến sà lan tiếp nhận sà lan sức chở 160 TEUs.
Nhà đầu tư bến cảng số 5 và bến cảng số 6 là Hateco cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố Hải Phòng cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết các bến cảng số 5, số 6 theo quy hoạch chung vừa được phê duyệt. Cụ thể, tăng chiều dài tuyến bến từ 375 m/bến lên 450 m/bến và nâng cỡ tàu khai thác lên 6.000 - 18.000 TEUs.
Theo Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco, hiện đơn vị này cũng đang chuẩn bị các thủ tục cuối cùng để đầu năm 2022 có thể khởi công xây dựng bến số 5 và bến số 6.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang, với vai trò là đầu mối giao thông đường biển phía Bắc, cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc, việc đầu tư xây dựng các bến số 3, bến số 4 và bến số 5 và số 6 cùng với các bến số 1, số 2 đã đưa vào khai thác từ năm 2018 sẽ giúp nối dài khu bến cảng Lạch Huyện, phục vụ trực tiếp cho Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 01/4/2021.
Đồng thời, việc sớm đưa các bến cảng vào vận hành khai thác sẽ góp phần hoàn thiện mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, đảm bảo chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng cảng hàng hóa hiện đại đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực miền Bắc trực tiếp đến thị trường châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), đồng thời khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung phát triển...
Theo QUANG TOÀN (Báo Tin Tức)