Chứng chỉ tiền gửi được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam

26/04/2024 - 08:25

Tại dự thảo Thông tư quy định về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đề xuất chứng chỉ tiền gửi được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam.

Theo dự thảo, lãi suất chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành quyết định phù hợp với quy định hiện hành của NHNN về lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng trong từng thời kỳ. Phương pháp tính lãi chứng chỉ tiền gửi thực hiện theo quy định của NHNN.

Thời hạn, ngày phát hành và ngày đến hạn thanh toán đối với chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng quy định. Trường hợp người mua là tổ chức tín dụng khác thì tổ chức tín dụng chỉ được phát hành chứng chỉ tiền gửi có thời hạn dưới 12 tháng.

Hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi

Tổ chức tín dụng phát hành chứng chỉ tiền gửi theo hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp phát hành chứng chỉ tiền gửi theo hình thức chứng chỉ, tổ chức tín dụng phải thiết kế và in ấn để đảm bảo khả năng chống giả cao. Trường hợp phát hành chứng chỉ tiền gửi theo hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, tổ chức tín dụng cấp cho người mua chứng nhận quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi.

Tổ chức tín dụng phát hành chứng chỉ tiền gửi trực tiếp cho người mua tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động trong nước của tổ chức tín dụng hoặc phát hành bằng phương tiện điện tử.

Mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi là 100.000 đồng Việt Nam hoặc bội số của 100.000 đồng Việt Nam. Mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi được in sẵn trên chứng chỉ hoặc theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng phát hành với người mua.

Nguyên tắc phát hành chứng chỉ tiền gửi

Dự thảo nêu rõ, tổ chức tín dụng tổ chức các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi theo quy định tại Thông tư này khi tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bao gồm: Tỷ lệ khả năng chi trả; Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 08% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ; Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có; Tỷ lệ mua, nắm giữ, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh.

Chứng chỉ tiền gửi được sử dụng để làm tài sản bảo đảm theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Thanh toán chứng chỉ tiền gửi

Tổ chức tín dụng có trách nhiệm thanh toán tiền gốc, lãi chứng chỉ tiền gửi đầy đủ và đúng hạn cho người mua chứng chỉ tiền gửi theo thỏa thuận phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

Phương thức thanh toán gốc, lãi chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng quy định phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, được công bố cho người mua chứng chỉ tiền gửi trước khi phát hành chứng chỉ tiền gửi.

Việc thanh toán trước hạn chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng quy định trên cơ sở đề nghị của người mua chứng chỉ tiền gửi, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng. Lãi suất áp dụng trong trường hợp thanh toán trước hạn chứng chỉ tiền gửi phù hợp với quy định của NHNN.

Quy trình phát hành và thanh toán chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng quy định phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định về phòng, chống rửa tiền và các quy định pháp luật có liên quan; phù hợp với đặc điểm, mô hình quản lý của tổ chức tín dụng; đảm bảo việc phát hành và thanh toán chứng chỉ tiền gửi được chính xác và an toàn. Tổ chức tín dụng phải thông tin đầy đủ cho người mua chứng chỉ tiền gửi về quy trình phát hành và thanh toán chứng chỉ tiền gửi.

Theo Báo Chính Phủ