
Quảng cáo thuốc gia truyền “lừa đảo” trên mạng xã hội nhưng gắn mác cơ quan truyền thông uy tín
Quảng cáo sai sự thật, nhất là quảng cáo trên MXH không chỉ gây nhiễu loạn thông tin, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng (NTD). Nhiều đối tượng đã gắn logo, hình ảnh chương trình của các cơ quan truyền thông lớn như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) nhằm tạo uy tín “chính thống” để đánh lừa người xem.
Chỉ cần lướt qua một số nền tảng MXH, không khó để bắt gặp các đoạn video quảng cáo sản phẩm có gắn logo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), trích dẫn hình ảnh biên tập viên, thậm chí là ghép lời giả mạo phát ngôn của các chuyên gia y tế, người nổi tiếng. Thực chất, đây là hành vi giả mạo nhằm “mượn uy tín” để đánh lừa NTD rằng sản phẩm đã được kiểm chứng. Không ít người, nhất là người cao tuổi hoặc người dân ở nông thôn, vì thiếu kiểm chứng thông tin nên dễ dàng tin tưởng và mua sản phẩm.
Một trong những nhóm sản phẩm được quảng cáo nhiều nhất hiện nay là thuốc đông y, thực phẩm chức năng, trà giảm cân, sữa non… Nhiều nội dung quảng cáo mô tả sản phẩm có công dụng “thần kỳ”, như: Chữa khỏi tiểu đường, xương khớp, dạ dày, vô sinh… thậm chí là ung thư. Phần lớn các sản phẩm này không được cấp phép là thuốc điều trị, chỉ là thực phẩm chức năng hỗ trợ, nhưng lại bị thổi phồng quá mức. Nhiều clip quảng cáo còn phỏng vấn nhân vật được cho là người bệnh đã chữa trị khỏi để tạo lòng tin.
Chị Huyền (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Tôi từng mua một loại thuốc giảm cân qua mạng, nghe lời quảng cáo dùng 10 ngày giảm 5kg. Kết quả là bị đau bụng dữ dội và phải nhập viện”. Câu chuyện của chị Huyền chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp bị ảnh hưởng bởi thông tin quảng cáo thiếu minh bạch.
Quảng cáo tràn ngập khắp nơi khiến nhiều người dùng cảm thấy bức xúc. Những nội dung chất lượng thường bị đẩy xuống, chen vào đó là các clip quảng cáo. Điều này làm giảm trải nghiệm người dùng và tạo ra môi trường thông tin méo mó, đầy rẫy chiêu trò tiếp thị phản cảm. “Lướt mạng cứ vài bài lại thấy quảng cáo. Có lúc đang xem video học tập cũng bị chen ngang bởi những đoạn quảng cáo lố bịch, phản cảm” - một người dân bức xúc… Thậm chí việc quảng cáo tràn lan còn được bàn luận tại nghị trường Quốc hội. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, thời gian qua, nhiều khi đang xem phim, xem chương trình truyền hình tới chỗ hấp dẫn, tự dưng cắt ngang chèn quảng cáo. Điều này hết sức vô duyên, không tôn trọng khách hàng.

TS. Lê Ngọc Sơn (thành viên Nhóm Nghiên cứu quốc tế về Truyền thông về khủng hoảng, thuộc Đại học Tổng hợp kỹ thuật Ilmenau, Cộng hòa Liên bang Đức) cho biết: “Do thiếu chế tài, chúng ta thấy các nghệ sĩ thi nhau quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng và các mặt hàng khác… Bất kể đó có thể là những mặt hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe của NTD. Điều này đặt ra thách thức về mặt pháp lý lẫn đạo đức. Người nghèo và người ít có cơ hội tiếp cận giáo dục sẽ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị trục lợi nhất”.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm, có hàng trăm trường hợp bị xử phạt vì quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật. Năm 2024, đã thanh tra 66 cơ sở sản xuất - kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chức năng. Qua đó, 21 cơ sở đã bị xử phạt, với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng. Trong số các vi phạm, quảng cáo sai sự thật là phổ biến. Nhiều sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh được quảng cáo “nổ” với nhiều công dụng “thần thánh”, vượt xa thực tế…
Theo báo cáo của nền tảng chuyên thu thập và cung cấp dữ liệu Statista, quảng cáo trên MXH là thị trường lớn thứ hai trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số. Tính riêng năm 2023, doanh thu quảng cáo trên MXH đã đạt 207 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 255 tỷ USD vào năm 2028. Lợi nhuận của dịch vụ quảng cáo trên MXH đến từ việc khai thác các lợi thế sẵn có, như: Lượng người dùng đông đảo, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tiếp cận khách hàng dựa trên sở thích người dùng MXH, tương tác với khách hàng tiềm năng... Theo báo cáo của We Are Social, tại Việt Nam, lượng người xem quảng cáo trên Facebook chiếm 67,2% tổng dân số quốc gia, trong khi đó lượng người xem quảng cáo trên YouTube chiếm 63,9% tổng dân số. Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại điện tử cũng góp phần vào quá trình tăng trưởng nhanh chóng của thị trường quảng cáo trên MXH…
Theo Khoản 5, Điều 34, Nghị định 38/2021, trường hợp hành vi quảng cáo sản phẩm sai sự thật trên MXH chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự, thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với số tiền từ 60 - 80 triệu đồng, bị buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin. Nếu đã bị xử lý vi phạm hành chính, bị phạt tiền mà vẫn tiếp tục tái phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…
Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin, không tin vào quảng cáo “thần thánh hóa” sản phẩm. Một số dấu hiệu để nhận biết quảng cáo “nổ” thường gặp, như: “Chữa trị khỏi bệnh hoàn toàn”, “không lo tái phát”, “tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày”, “bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên”, “lương y điều trị xương khớp”, “thay thế thuốc chữa bệnh”…
HỮU HUYNH