Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm lâu dài đã trải qua nhiều giai đoạn đấu tranh, đầy ắp những chủ trương, chiến lược của Đảng ta, làm thất bại các âm mưu của kẻ thù.
Có một chủ trương đấu tranh độc đáo, tài tình, theo tôi, là thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam năm 1960.
Theo Hiệp định Geneva, sau 2 năm sẽ có tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhưng Mỹ đã can thiệp dựng nên chính quyền Sài Gòn ở miền nam hòng chia cắt vĩnh viễn đất nước. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam chủ trương tập hợp các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo… đoàn kết mọi người Việt Nam nhằm mục đích đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam ra đời theo đúng nguyện vọng của nhân dân miền nam, do vậy được hưởng ứng mạnh mẽ và rộng rãi.
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam với sự chi viện nhiều mặt của miền bắc xã hội chủ nghĩa, đã nhanh chóng lớn mạnh, lãnh đạo đấu tranh chính trị và võ trang và làm nhiệm vụ quản lý chính quyền trên thực tế. Đồng thời, Mặt trận cũng quan tâm đến công tác vận động quốc tế với đường lối đối ngoại “hòa bình, trung lập” trong Cương lĩnh Mặt trận. Mặt trận đã tập hợp được sự ủng hộ của nhân dân thế giới thuộc các xu hướng chính trị khác nhau.
Từ năm 1960, trên các diễn đàn quốc tế, ở các hội nghị hòa bình, dân chủ đều có hai đoàn Việt Nam, đó là đoàn miền bắc xã hội chủ nghĩa và đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam. Cờ nửa đỏ, nửa xanh của Mặt trận bay ở khắp nơi trên thế giới, trong các cuộc biểu tình đoàn kết với Việt Nam. Mặc dù, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam chưa phải là một chính phủ nhưng đã có cơ quan đại diện ở nhiều quốc gia và được chính phủ các nước hỗ trợ, giúp đỡ trong hoạt động.
Đến năm 1969, sau chiến dịch Tết Mậu Thân, nhiều chiến lược của Mỹ bị thất bại, thời cơ đã đến, Đảng ta chủ trương “vừa đánh, vừa đàm” để tiến tới chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước. Mỹ cũng thấy không thể nào thắng ta bằng các chiến lược chiến tranh đặc biệt, cục bộ nên cũng chủ trương mở ra kênh đàm phán để xoa dịu phong trào phản chiến và chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Nhưng khi đi vào đàm phán, lúc đầu thì Mỹ chỉ muốn đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng chúng ta kiên quyết đòi hỏi phải có sự hiện diện của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam là lực lượng trực tiếp chiến đấu với Mỹ ở miền nam.
Sau cuộc đấu tranh ngoại giao giằng co suốt mấy tháng, Mỹ đã phải chấp nhận đàm phán 4 bên với sự tham gia của cả Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam. Tuy nhiên, sau 6 tháng, chúng ta thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam; đoàn đàm phán của Mặt trận nghiễm nhiên trở thành đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời.
Sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam là một bước phát triển sáng tạo có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Nó phá thế “hợp pháp” độc tôn của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền nam Việt Nam, đồng thời mở ra mặt trận tập hợp rộng rãi mọi lực lượng yêu nước, yêu chuộng hòa bình cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Về đối ngoại, Chính phủ Cách mạng lâm thời với đường lối “hòa bình, độc lập, trung lập” đã tranh thủ được sự ủng hộ của rất nhiều các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới và những người thuộc về chính kiến khác nhau. Từ khi Chính phủ Cách mạng lâm thời được thành lập đến khi giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước, đã có 65 nước công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời. Chính phủ Cách mạng lâm thời đã có cơ quan đại diện tại gần 30 nước trên thế giới.
Tại Hội nghị Paris 4 bên, chúng ta có 2 đoàn đàm phán là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, khiến vị thế của ta tại Hội nghị và trên trường quốc tế được nâng cao.
Tại cuộc đàm phán này, phía chúng ta “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. “Một” ở đây là cùng chung một mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cùng chung nhiệm vụ chiến lược là đấu tranh để “Mỹ rút, ta ở lại”. “Hai” ở đây là sự chủ động, linh hoạt về sách lược của mỗi đoàn đàm phán.
Trong cuộc đàm phán, Chính phủ Cách mạng lâm thời là bên nêu ra các giải pháp để chấm dứt chiến tranh và đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn ủng hộ; làm cho lập trường chính nghĩa của ta ngày càng sáng tỏ. Khi tương quan lực lượng trên chiến trường có lợi cho ta, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã đưa ra những giải pháp cuối cùng, trong lúc đó đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán bí mật với Mỹ để đưa ra dự thảo Hiệp định Paris nhằm chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.
Hiệp định Paris được ký kết với việc Mỹ phải rút quân dẫn đến tình thế các bên ở Việt Nam giải quyết vấn đề với nhau.
Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, 3 tháng sau Mỹ rút hết quân, nhưng chính quyền Sài Gòn không chấp nhận thực hiện Hiệp định Paris, tiếp tục chiến tranh với sự viện trợ, giúp đỡ của Mỹ, hy vọng bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” sẽ thắng ta.
Đến năm 1975, Đảng thấy rằng dùng giải pháp chính trị với chính quyền Sài Gòn không giải quyết vấn đề vì chính quyền Sài Gòn vẫn muốn chiến tranh nên Đảng ta đã chủ trương mở Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc.
Bài học lớn nhất của nhân dân ta là: Đoàn kết dân tộc mạnh mẽ cùng với phong trào đoàn kết quốc tế to lớn đã giúp nhân dân ta đánh thắng giặc ngoại xâm, bất kể là đế quốc hay thực dân. Có đoàn kết dân tộc mạnh mẽ mới có thể có phong trào quốc tế rộng lớn và đi đến được thắng lợi cuối cùng.