Anh Trần Khánh Hùng (39 tuổi, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Tôi đã từng chứng kiến và trải nghiệm: nhiều người kinh doanh, mua bán rất trọng chữ “tín” và tin tưởng nhau tuyệt đối, dù họ là doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Thậm chí, không ít lần ra chợ, mua hàng hóa không đủ tiền trả, mấy chị bán hàng không quen biết ở chợ vẫn nhét đồ vào tay tôi: “Chú cứ lấy đi, bữa nào chạy ngang trả tôi cũng được. Tôi mua bán cực khổ như vầy, không lẽ chú lại mất uy tín với tôi?”. Có khi tôi quên bẵng là mình còn thiếu nợ chị, cái “bữa nào” kéo thành vài tháng sau. Đến lúc tôi ghé trả tiền, chị ngẩn người, không nhớ đã bán thiếu cho tôi lúc nào. Chị giải thích với tôi rằng, việc cho thiếu không hẳn vì chị nhiều vốn liếng, mà là muốn tạo mối quen biết sau này. Chị nói đúng, từ đó về sau, tôi thường xuyên ghé chị mua đồ, tin tưởng chất lượng hàng hóa chị bán, giống như chị đã tin tưởng bán thiếu cho tôi”. Tôi có thể hiểu được cảm giác của anh. Trong xã hội, chuyện xấu khiến người ta mất niềm tin vào nhau không ít: giả vờ làm ăn xin, bệnh tật để lừa gạt tiền khách qua đường; “treo đầu dê, bán thịt chó”; ghen tuông khiến tình cảm đôi bên tan vỡ... Vậy mà, vẫn tồn tại rất nhiều sự tin tưởng giữa người lạ với nhau như câu chuyện của anh Hùng. Đó là sự tin tưởng không cần bất cứ “vật phẩm làm tin” nào, vẫn sâu sắc, đáng quý vô cùng.
Chuyện được nhắc đến nhiều nhất mấy ngày qua là niềm tin tâm linh, tín ngưỡng. Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)vừa bị phanh phui sai phạm khi có các hoạt động tín ngưỡng trong cơ sở tôn giáo chưa đúng với danh mục đã đăng ký với cơ quan nhà nước, như: nghi thức thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ, các hoạt động giảng pháp nội dung trái chiều do 1 phật tử thực hiện... Ở Việt Nam, các tôn giáo, tín ngưỡng có sự dung hợp, đan xen và hòa đồng, không kỳ thị, tranh chấp và xung đột. Tín ngưỡng phản ánh đời sống tâm linh phong phú, đa dạng, sự khoan dung, độ lượng, nhân ái của người Việt Nam và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả đều mong muốn hướng con người đến chân - thiện - mỹ, tốt đời đẹp đạo, khiến mỗi người tự hoàn thiện mình hơn. Nhưng đôi khi, một bộ phận người dân quá lệ thuộc vào niềm tin tâm linh, biến bản thân trở thành nô lệ cho tín ngưỡng, tôn giáo. Hậu quả, họ chơi vơi giữa lằn ranh niềm tin và mê tín, đánh mất những điều tốt đẹp mình đang có, tìm kiếm những thứ hư ảo để tự huyễn hoặc chính mình. Chẳng biết có thỉnh được vong, đuổi được oan gia hay chưa, nhưng trước mắt, những người dân ấy đã khiến bản thân hao tài tốn của, rước thêm nỗi lo không đáng có.
Tại buổi họp mặt kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tôi được nghe một số cô, chú cựu cán bộ Đoàn bày tỏ băn khoăn về cách sống, lối suy nghĩ và lý tưởng của một số bạn trẻ hiện nay. Họ bị đánh giá không mang cách sống nhiệt huyết, không suy nghĩ tích cực và có lý tưởng cao đẹp như những đoàn viên trong thời chiến tranh, bảo vệ đất nước. Không ít bạn trẻ sống dựa dẫm vào gia đình, thiếu kỹ năng sống tự lập, thiếu ý thức với mọi điều xung quanh. Chính vì thế, tôi khá tâm đắc với ý kiến phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Long Xuyên (nguyên Bí thư Tỉnh đoàn) Đặng Thị Hoa Rây: “Các tổ chức Đoàn cần ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các cô chú, anh chị đi trước về những bất cập đang diễn ra trong đoàn viên, thanh niên. Mỗi tổ chức, cơ sở Đoàn phải đặc biệt quan tâm công tác giáo dục cho đoàn viên, thanh niên về lý tưởng, đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần tự học, tự rèn, bản lĩnh, tự tin; lựa chọn nội dung, hình thức hoạt động Đoàn thiết thực, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Mở rộng ra, không chỉ là chuyện giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên, mà còn là việc giáo dục, bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng - thế giới quan khoa học cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc làm ấy phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài, là vấn đề cấp thiết trong công cuộc đổi mới hiện nay của nước ta. Thông qua tri thức triết học Mác-Lênin, người có thế giới quan khoa học sẽ có tình cảm cao đẹp, sâu sắc, lành mạnh, có lý trí, không để tình cảm lấn át; có tri thức đúng đắn, có niềm tin sâu sắc vào tương lai tốt đẹp của xã hội chủ nghĩa; có lý tưởng cao đẹp, trong sáng. Không có niềm tin đúng đắn này, chúng ta dễ rơi vào những biểu hiện của suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như Đảng đã chỉ ra.
Quả thật, có rất nhiều điều hàm chứa bên trong từ “niềm tin”. Đó là niềm tin vào bản thân mình, vào mọi người xung quanh, vào xã hội chúng ta đang sống. Đó là niềm tin vào những gì tốt đẹp đang có ở hiện tại và sẽ có ở tương lai. Trước khi hành động, hãy tin tưởng. Có như thế, sẽ càng tăng thêm cơ hội thành công!
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG