Chuyện đặc biệt ở khu cách ly

08/09/2020 - 06:36

 - Đợt tổ chức tiếp nhận cách ly tập trung công dân từ nước ngoài về khu cách ly Trường Quân sự tỉnh (cũ, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang) lần 5 này có không ít điều đặc biệt. Đó là số lượng phụ nữ mang thai nhiều nhất so với các đợt (10 chị mang thai trong tổng số 30 chị); trẻ em ít nhất, nhưng lại nhỏ tuổi nhất (3 trẻ có độ tuổi từ 5-7 tháng). Mỗi người ở một quê hương riêng, có chuyện đời riêng, nay được dịp chia sẻ và gắn bó cùng nhau suốt 14 ngày đáng nhớ.

Những kỷ niệm khó quên

1/3 phụ nữ được đưa về khu cách ly tập trung đang có thai (từ vài tuần đến hơn 7 tháng). Do vậy, các chị được sắp xếp ở dãy phòng gần nhau, gần với phòng trực của bác sĩ quân y, cán bộ, chiến sĩ phục vụ để tiện chăm sóc sức khỏe.

Chị Nguyễn Thị Thơm (sinh năm 1997, ngụ tỉnh Hà Tĩnh) đăng ký về Việt Nam suốt mấy tháng, đến khi được nằm trong danh sách, thai đã 28 tuần. Một mình chị bụng vượt mặt lủi thủi từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) về sân bay Cần Thơ, rồi lại từ Cần Thơ về An Giang. Trên chuyến bay, chuyến xe ấy, ai nấy đều mệt mỏi vì quãng đường dài, căng thẳng và lo lắng vì không biết bản thân có nhiễm bệnh hay không, xa cách vì không quen biết ai.

Khi về đến khu cách ly tập trung, hoàn thành các thủ tục cần thiết, đồng hồ điểm 23 giờ. Đêm đầu tiên ở nơi lạ lẫm, có chút tủi thân, giấc ngủ chập chờn, nhưng chị cảm thấy rất hạnh phúc, bởi đã được đặt chân về xứ sở. Hôm sau, chị Thơm bắt đầu có thêm nhiều người bạn mới, không còn cô độc nữa. Mấy căn phòng liền kề nhau toàn là “bầu”: bầu lớn, bầu nhỏ, bầu so, bầu rạ…

“Lần đầu tiên tôi vào miền Nam, cảm thấy người miền Nam thân thiện vô cùng. Các anh chị thường xuyên hỏi thăm tôi, bé có khỏe không, muốn ăn gì hay không… Thật sự, tôi cảm thấy mình được chăm sóc như đang ở nhà, rất hạnh phúc!” - chị Thơm chia sẻ.

Thăm khám cho một phụ nữ có thai bị cao huyết áp

Chị Huỳnh Thị Như (sinh năm 1993, ngụ TP. Cần Thơ) trở về quê để tiện sinh nở, còn chồng chị vẫn làm việc tại Hàn Quốc. Khá nặng nề với cái thai 7 tháng, nhưng gương mặt chị rất tươi: “Tôi thấy sống trong khu cách ly thoải mái vô cùng: phòng rộng rãi, mọi người vui tính, đồ ăn ngon… Các anh bộ đội và anh chị xung quanh đều chăm lo cho mấy bà bầu, có gì cũng nhường chúng tôi trước. Chắc chắn sau này con lớn lên, tôi sẽ kể con nghe quãng thời gian 2 mẹ con “chống COVID” ở đây!”.

Chị làm sao quên được những ngày cùng quây quần ăn bữa cơm nóng hổi, chờ các thanh niên “đổ mồ hôi hột” chặt cả quầy dừa để gửi các chị. Nửa đêm, mấy bà bầu rủ nhau đi… tập thể dục, đói bụng tất cả cùng ăn mì gói. Người đã có kinh nghiệm sinh nở thì truyền đạt lại cho người đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, dặn dò món gì nên ăn, món gì kiêng cữ. Một chị hơi chóng mặt, “long thể bất an” là mấy chị còn lại lo cuống cả lên.

“Chiến binh nhí” của khu cách ly

Nguyễn Duy Khang là thành viên nhỏ nhất được cách ly tập trung đợt này. Bé mới 5 tháng tuổi, nhưng đã kiên cường vượt qua một chặng đường dài trở về Việt Nam trong mùa đại dịch. Người lớn di chuyển như thế mệt mỏi vô cùng, nhưng bé vẫn khỏe mạnh, vẫn mở đôi mắt tròn xoe nhìn ngắm mọi thứ, vẫn toét miệng cười khi ai đó đến gần.

Anh Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1992, ngụ tỉnh Quảng Bình) cùng vợ sang Hàn Quốc lao động. Vừa ổn định công việc thì vợ anh có thai. Bé gái sinh ra được hơn 3 tháng tuổi, chị lại có thai Khang. Khang được sinh ra vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cha mẹ không thể đi làm. Bé phải ở suốt trong căn phòng trọ, vì cha mẹ không đủ điều kiện gửi vào nhà trẻ, thậm chí họ không đủ trả tiền thuê phòng. Hết cách, anh Thắng ôm con trở về Việt Nam, để vợ ở lại Hàn Quốc tiếp tục xin việc làm. Hôm về tới khu cách ly, anh Thắng "lóng ngóng" chăm sóc cậu con trai, xung quanh lỉnh kỉnh đồ đạc.

Trước giờ, chuyện chăm sóc con do vợ anh làm. Giờ, anh phải học cách pha sữa, thay tã, dỗ dành con, ở một không gian hoàn toàn xa lạ. Bé bị chàm sữa, cả người đỏ tươi. Hết cách, anh “cầu cứu” bà Nguyễn Thị Lan (mẹ vợ anh). Bà ngoại gần 60 tuổi, bắt nhiều chuyến xe khách, từ Quảng Bình lặn lội vào An Giang, xin được tự nguyện vào khu cách ly để chăm sóc cháu.

"Chiến binh nhí" Khang 

Trước giờ chưa có tiền lệ này, nên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rất cân nhắc, đắn đo. Cuối cùng, ban chỉ đạo chấp thuận cho bà vào, nhưng phải được xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bé Khang lần đầu tiên gặp bà ngoại, nghe bà ngoại dỗ dành: “Con biết thân phận xa mẹ, nên con ngoan lắm cô chú ơi!”. Cả khu cách ly thương Khang vì nụ cười tươi, vì nết ngoan ít khóc, vì hoàn cảnh đặc biệt của bé. Mỗi ngày, cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ quân y qua lại trò chuyện, đùa giỡn với bé nhiều lần, cố gắng chăm sóc bé đầy đủ nhất có thể.

14 ngày trôi qua nhanh chóng. Các “chị bầu” và bé Khang bắt đầu hành trình trở về quê hương, rời xa mảnh đất An Giang. Hôm chia tay, dù nôn nóng trở về, nhưng họ vẫn dành thời gian bịn rịn tiễn đưa nhau lên xe.

“Có duyên được gặp, được sống cùng nhau, được trở thành gia đình của nhau trong 14 ngày, chúng tôi rất trân trọng điều đó. Cám ơn mọi người đã yêu thương nhau, cám ơn các anh bộ đội đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi, bằng tất cả trách nhiệm và tình cảm của mình! Hy vọng sẽ có ngày chúng tôi trở lại thăm An Giang!” - chị Thơm gửi lời chào tạm biệt. Qua ô cửa kính, Khang lại toét miệng cười trước máy ảnh của tôi…

Bài, ảnh: GIA KHÁNH