Chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

11/03/2024 - 06:20

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL), chuyển đổi số được xem là nội dung quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển ngành, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ và mở rộng, phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá du lịch (DL), hình ảnh đất nước, con người An Giang.

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang Nguyễn Trung Thành, để triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, hàng năm, Sở VH-TT&DL xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành văn hóa, gia đình, thể thao và DL. Hoạt động chuyển đổi số tập trung vào các nội dung phát triển hạ tầng số (xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng, dịch vụ trực tuyến, trang thông tin điện tử...); phát triển dữ liệu số (xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý ngành VH-TT&DL) phục vụ công tác điều hành, quản lý và dự báo (thư viện số, bảo tàng số, số hóa di sản, cơ sở dữ liệu DL…); phát triển chính quyền số (cải cách hành chính, thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công trực tuyến…); phát triển kinh tế số (DL thông minh, phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số...).

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số ngành VH-TT&DL đạt kết quả tích cực, như: Nhận thức về hành động chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị có nhiều chuyển biến tốt; việc hoàn thiện cơ chế, chính sách được quan tâm kịp thời; dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, DN được triển khai hiệu quả; công tác đảm bảo an toàn, an ninh được chú trọng.

Về hạ tầng số, sở tăng cường đầu tư trang bị phòng máy chủ; thực hiện cấu hình Site ID trên cổng thông tin điện tử kết nối hệ thống EMC. Rà soát, chuyển đổi hệ thống thông tin, ứng dụng của Sở VH-TT&DL sang sử dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)...

Về dữ liệu số, hoàn thành việc phối hợp cung cấp dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở văn hóa, gia đình, thể thao và DL; cung cấp thông tin, dữ liệu lĩnh vực DL triển khai thử nghiệm “Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh” (IOC) tỉnh.

Tiếp tục ứng dụng công nghệ trong hoạt động quảng bá của ngành văn hóa, thể thao và du lịch

Đối với phát triển chính quyền số, thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Các quy trình nội bộ, quy trình TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết có thông tin, dữ liệu tại hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và được đồng bộ tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tăng cường cập nhật công khai văn bản trên trang văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc. Đăng ký và ứng dụng chữ ký số để phát hành văn bản. Cập nhật 100% văn bản đến, văn bản đi, số văn bản được xử lý trên hệ thống Văn phòng điện tử đã góp phần tiết kiệm chi phí và thời gian trong xử lý công việc.

“Chuyển đổi số được xác định là xu hướng tất yếu đối với ngành DL, khi mang lại cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nắm bắt xu thế phát triển mới, Sở VH-TT&DL đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng các nền tảng, dữ liệu số tạo điều kiện thuận lợi cho khách DL tra cứu thông tin cần thiết, các DN tối ưu hóa dữ liệu trên hệ thống thí điểm Cổng thông tin DL https://checkinangiang.vn/ và ứng dụng DL thông minh check-in An Giang.

Bên cạnh đó, sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá DL, thông qua hệ thống thiết bị camera giám sát an ninh và quảng bá DL An Giang được lắp đặt tại các khu, điểm DL trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá DL trên các nền tảng số” - Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang Nguyễn Khánh Hiệp thông tin.

Ngoài ra, Sở VH-TT&DL An Giang thường xuyên vận động, khuyến kích DN DL quan tâm, phối hợp đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong việc tạo điều kiện, khuyến khích, ưu tiên sử dụng nền tảng số trong quản trị và kinh doanh hoạt động DL, các nền tảng số về cung cấp các dịch vụ, sản phẩm DL, sử dụng trợ lý ảo, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động DL.

Về phát triển xã hội số, nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách số, Sở VH-TT&DL tăng cường ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành tại cơ quan. 100% công chức, viên chức, người lao động cài đặt VNeID và cập nhật hồ sơ định danh điện tử mức độ 2.

Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, để đẩy mạnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số ngành VH-TT&DL, thời gian tới, Sở VH-TT&DL tiếp tục rà soát, tổ chức triển khai các nhiệm vụ được phân công tại Chương trình 553/CTr-UBND, ngày 9/9/2021 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin cải thiện chất lượng, hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và phạm vi chức năng quản lý của sở. Tăng cường ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành tại cơ quan, trong hoạt động quản lý nhà nước, nhằm mang lại hiệu quả trong hoạt động quản lý, tạo thuận lợi cho người dân và DN, góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số.

Tiếp tục hoàn thiện và phát triển DL thông minh với sự tham gia chặt chẽ của tất cả các bên liên quan. Khuyến khích DN tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh doanh, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm trên môi trường trực tuyến. Đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của du khách; tăng cường hoạt động giao dịch, thương mại điện tử…

Trên cơ sở Chương trình chuyển đổi số quốc gia, UBND tỉnh ban hành Chương trình 553/CTr-UBND, ngày 9/9/2021 về Chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình chuyển đổi số gồm các cấu phần chính là chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm phát triển chính quyền số; chuyển đổi số trong hoạt động của DN, nhằm phát triển kinh tế số; chuyển đổi số trong hoạt động của người dân, nhằm phát triển xã hội số.

THU THẢO