Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

31/03/2021 - 03:40

 - Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được xem là giải pháp cốt lõi, tăng khả năng thích ứng trong thế giới việc làm đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay.

Chia sẻ về chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Đó là điều mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng đến nhằm thay đổi phương pháp dạy học và đào tạo nghề nhằm tạo nên lực lượng lao động trình độ tay nghề cao, năng động sáng tạo làm chủ công nghệ và tiên phong trong sáng tạo, đổi mới công nghệ, góp phần chuyển đổi số, nâng tầm xã hội số, phục vụ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: “Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, kinh tế tri thức và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng cũng không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới và phải hành động rất khẩn trương nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội”.

Tại buổi tư vấn giúp Trường Cao đẳng Nghề An Giang trong việc chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp, TS Nguyễn Nhật Quang, chuyên gia tư vấn thuộc Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) nhấn mạnh, giáo dục nghề nghiệp là một lĩnh vực sẽ giúp Việt Nam có thể tăng trưởng GDP bền vững, do đó rất cần những phương thức giảng dạy, đào tạo mới để có thể chuyển đổi số. Các chuẩn đầu ra, chuẩn nghề nghiệp cần phải được điều chỉnh để tăng khả năng thích ứng, phù hợp với nhu cầu trong thế giới việc làm đang thay đổi. chúng ta cần thay đổi tư duy và nhanh chóng chuyển từ dạy và học truyền thống sang dạy và học trên môi trường số.

Việc chuyển đổi số giáo dục được chia làm 4 lĩnh vực, đó là: giáo dục nghề nghiệp, GD&ĐT và bổ sung, giáo dục phổ thông, GD&ĐT đại học. Điều đó không chỉ đơn giản là tăng cường các thiết bị, ứng dụng máy móc công nghệ vào giảng dạy mà khi chuyển lên môi trường số phải làm thay đổi cách học tập, làm sao để người học chủ động, tự định hướng, hợp tác và có hứng thú. Tốc độ học tập thì cần tùy thuộc vào năng lực học sinh, tổ chức học phải linh hoạt để người học học được mọi lúc, mọi nơi.

TS Nguyễn Nhật Quang cho rằng, cần phải xây dựng thêm hệ sinh thái số của giáo dục và đào tạo mà các vệ tinh kết nối là thay đổi phương pháp dạy và học, đổi mới nội dung GD&ĐT, xây dựng hạ tầng nền tảng và học liệu số, giảng viên số và học viên số, xây dựng thể chế và hành lang pháp lý, thay đổi cách quản trị thành quản lý và quản trị số. Ở yếu tố thay đổi nội dung GD&ĐT, cần xác định lại nội dung với kiến thức và kỹ năng người học cần biết và có trong thời họ sẽ sống, bỏ cái cũ không cần và thêm cái mới sẽ cần, gắn nội dung học với thị trường lao động, định rõ các kỹ năng cần thiết của nghề và cấu trúc nội dung theo các mô-đun. Ở yếu tố giảng viên số và học viên số, học viên đóng vai trò trung tâm, học tập chủ động, tự định hướng, tăng khả năng tự học mọi lúc, mọi nơi. Việc học gắn với vấn đề kỹ năng, theo mô-đun, tình huống và tham gia vào sáng tạo, tìm tri thức. Giảng viên dạy theo phương pháp mới và lúc này đóng vai trò như “huấn luyện viên”.

Ở lĩnh vực quản lý và quản trị số, TS Nguyễn Nhật Quang cho rằng, hệ thống trường lớp cần được số hóa, kết nối, chia sẻ và tương tác. Việc hoạch định, tổ chức, lãnh đạo sử dụng nguồn lực để quản trị việc dạy và học, điều hành, dự báo và ra quyết định dựa trên dữ liệu và các công nghệ số. Trên nền tảng số, sử dụng hiệu quả các công nghệ số để quản lý các hoạt động đạt mục tiêu của GD&ĐT. Ở thể chế và hành lang pháp lý cần thay đổi nội dung, phương pháp dạy và học trên môi trường số, dạy và học, kiểm tra, đánh giá trực tuyến. Quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, an toàn thông tin cá nhân, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu, kho học liệu số.

Ngày nay, công nghệ số đã tạo nên sự chuyển biến tích cực để xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó kéo theo sự chuyển đổi số trong GD&ĐT, tạo nên sự thay đổi toàn diện và tổng thể hoạt động dạy và học trên môi trường số. Nếu ngành GD&ĐT được chuyển đổi tốt đến lượt mình sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, là động lực, chủ thể sáng tạo nên công nghệ phục vụ xã hội. Do vậy, điều đầu tiên quyết định quá trình chuyển đổi số thành công là nâng cao nhận thức và phải do “chính chủ” tự làm từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường học, doanh nghiệp trong lĩnh vực GD&ĐT.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG