Những năm gần đây, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Hoạt động thương mại điện tử, mua bán trực tuyến có nhiều bước phát triển, mang lại giá trị, lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các nền tảng phục vụ thương mại điện tử được khai thác hiệu quả, giúp DN tiếp cận phương thức phân phối mới, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tiết giảm chi phí so với phương thức kinh doanh truyền thống, có thêm cơ hội tiếp cận thị trường.
Trên địa bàn tỉnh, nhiều siêu thị, cửa hàng, cửa hàng tiện ích đã áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, buôn bán. Cửa hàng bán lẻ truyền thống, cơ sở dịch vụ cũng chủ động tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng mô hình bán hàng đa kênh, ứng dụng công nghệ vào xúc tiến thương mại, quản lý, thanh toán và bán hàng; xây dựng website, fanpage trên Facebook; sử dụng phần mềm bán hàng chuyên dụng, hóa đơn điện tử; thanh toán trực tuyến…
Thường xuyên mua sắm tại hệ thống siêu thị, chị Lê Thị Hồng Cẩm (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Công việc của tôi rất bận rộn, lại thêm con nhỏ, nên thời gian đi mua sắm không nhiều. Hơn 1 năm trở lại đây, tôi lựa chọn hình thức đặt hàng trực tuyến, được nhân viên siêu thị chuyển tới tận nhà. Bên cạnh đó, thanh toán qua ứng dụng còn giúp tôi tích điểm, trừ vào tổng tiền mua sắm sản phẩm trong lần mua sắm tiếp theo, rất thuận tiện”. Tương tự, cô Nguyễn Thị Ngọc Trân (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Bây giờ, tôi chỉ sử dụng tiền mặt khi đi chợ truyền thống. Còn hầu hết mua sắm ở cửa hàng, siêu thị, tôi đều thanh toán bằng thẻ ATM hoặc chuyển khoản. Vừa thuận tiện, vừa an toàn”.
Chuyển đổi số trong thương mại, dịch vụ (Ảnh: Nguồn Internet)
Không chỉ siêu thị, trung tâm thương mại lớn, mà ngay cửa hàng nhỏ, cơ sở bán lẻ truyền thống cũng từng bước ứng dụng thương mại điện tử, nền tảng số để đa dạng hóa hoạt động bán hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm. Chị Trần Thị Phương Lan (chủ cửa hàng thời trang ở TP. Long Xuyên) cho biết: “Trước đây, khách hàng chủ yếu đến trực tiếp cửa hàng chọn lựa, mua sắm. Giờ, tôi lập thêm kênh bán hàng trên nền tảng Facebook, Zalo... Mỗi khi có chương trình khuyến mãi, tôi đưa sản phẩm giới thiệu tư vấn cho khách. Lượng khách hàng đặt mua trực tuyến và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản tăng lên nhanh chóng, doanh thu tốt hơn so với bán truyền thống trước đây”.
Chị Lâm Thị Phương Trinh (chủ quán ăn ở TP. Châu Đốc) cho biết: “Từ ngày tôi ứng dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng mã QR, khách hàng ủng hộ rất nhiều. Chỉ cần quét mã QR là có thể trả tiền thuận tiện, tôi không cần chuẩn bị tiền lẻ để trả lại cho khách. Với phương thức thanh toán này, cả chủ quán và khách hàng đều không sợ nhầm lẫn tiền, an toàn, tiện lợi”.
Chỉ cần dùng điện thoại kết nối mạng Internet, tải ứng dụng, đăng ký và kết nối tài khoản ngân hàng, người dân có thể thanh toán hầu hết dịch vụ, như: Nhận tiền, chuyển tiền, đóng học phí, đóng bảo hiểm, viện phí, đóng tiền điện, tiền nước, phí truyền hình, Internet; nạp tiền điện thoại, thanh toán cước taxi, mua vé máy bay, xe khách, mua vé xem phim; hóa đơn mua hàng tại quán ăn, trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khu vui chơi giải trí...
Trước đây, hàng tháng, anh Nguyễn Quốc Vinh (TP. Long Xuyên) phải đến điểm thu để đóng tiền mặt, chờ đợi lâu vì có nhiều người cùng đến giao dịch. Hiện nay, chỉ cần điện thoại kết nối Internet, dù ở bất cứ đâu và thời gian nào, anh Vinh cũng có thể thanh toán thông qua ứng dụng của ngân hàng.
Các cơ sở khám, chữa bệnh cũng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần đem lại thuận lợi cho người dân. Đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, chị Nguyễn Thị Trúc Đào (huyện Châu Thành) cho biết: “Thanh toán viện phí qua ngân hàng rất tiện lợi, nhanh chóng, tôi không cần mang theo nhiều tiền mặt. Thay vì xếp hàng đến lượt thanh toán, tôi chỉ cần chuyển khoản bằng tài khoản ngân hàng trên điện thoại là có thể nhanh chóng đóng viện phí”.
Từ những tiện ích thiết thực, thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng nhiều trong giao dịch hàng ngày, trở thành xu thế tất yếu của xã hội. Tin rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ sẽ là sự lựa chọn của nhiều DN trong thời gian tới, từng bước thay đổi thói quen thương mại, kinh doanh, dịch vụ. Qua đó, góp phần cùng tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công trên tất cả lĩnh vực, hướng đến xây dựng nền kinh tế số trong tương lai.
TRỌNG TÍN