Phát biểu trong 1 cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, bà Swaminathan cũng cho biết không thể đoán trước được liệu Omicron có trở thành biến thể “thống trị” hay không.
Hiện biến chủng Omicron đã được phát hiện ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, Trung Đông và châu Âu, cũng như tại 7 trong số 9 tỉnh của Nam Phi, nơi đầu tiên trên thế giới xác nhận sự có mặt của biến thể này.
Nhiều quốc gia đã thắt chặt các hạn chế đi lại trước lo ngại biến thể mới lây lan, song bà Swaminathan cho rằng, phản ứng phù hợp nhất với vấn đề này là luôn phải chuẩn bị sẵn sàng.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại 1 trung tâm y tế địa phương ở Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 3/12/2021. (Ảnh: Reuters)
“Chúng ta cần chuẩn bị và thận trọng, cũng không nên hoảng sợ, bởi chúng ta đang ở trong 1 tình huống khác với 1 năm trước”, bà Swaminathan nói.
Chuyên gia của WHO cũng cho rằng, hiện biến thể Delta chiếm 99% các ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới, do đó biến thể mới sẽ phải có khả năng dễ lây lan hơn để có thể thay thế Delta trở thành chủng “thống trị”.
Điều đó có thể xảy ra nhưng không thể đoán trước được, bà Swaminathan nói, đồng thời bày tỏ hy vọng Omicron sẽ không gây bệnh nặng hơn. Bà khẳng định vẫn còn quá sớm để kết luận 1 cách tổng thể về biến chủng này.
Trước đó, phát biểu tại 1 cuộc họp của Liên hợp quốc ở Geneva, người phát ngôn của WHO, ông Christian Lindmeier cho rằng, các nhà sản xuất vaccine nên chuẩn bị cho khả năng phải điều chỉnh công thức bào chế các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện hành, nhằm ứng phó với biến thể mới Omicron.
Theo ông Lindmeier, WHO vẫn đang nghiên cứu khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng của biến thể mới. Ông nói: “Chúng tôi khuyến nghị các nhà sản xuất vaccine nên bắt đầu lập kế hoạch để chuẩn bị trước cho khả năng phải điều chỉnh vaccine hiện có. Điều này là cần thiết chứ không nên đợi cho đến khi tiếng chuông cảnh báo cuối cùng vang lên”.
Trước lo ngại biến thể mới Omicron lây lan, nhiều quốc gia đã áp đặt lệnh hạn chế đi lại tới miền nam châu Phi, nơi đầu tiên phát hiện ra biến thể này. (Ảnh minh họa: Reuters)
Trong khi đó, ông Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cho rằng, giải pháp quan trọng để ứng phó với Omicron là vaccine, và việc thắt chặt biên giới như hiện tại là không hiệu quả.
"Chúng ta không nên chỉ dựa vào các biện pháp hạn chế đi lại. Điều quan trọng nhất là chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những biến thể có khả năng lây lan cao”, ông Kasai khẳng định, đồng thời kêu gọi các quốc gia tiêm phòng COVID-19 đầy đủ cho các nhóm dễ bị tổn thương và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Hiện đã có những khoảng cách đáng lo ngại về tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 giữa các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo hơn. Thí dụ như ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới và từng là tâm dịch của châu Á, hiện mới chỉ có khoảng 35% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ.
Trong khi đó, 1 số quốc gia giàu có như Anh và Mỹ đã đưa ra kế hoạch tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường cho người dân.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, cách hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh là bảo đảm các nước nghèo hơn được tiếp cận đầy đủ với vaccine, chứ không phải tập trung tiêm liều tăng cường cho người dân ở các nước giàu.
Theo TRUNG HƯNG (Báo Nhân Dân)