Buổi truyền thông, giáo dục giới tính tại Trường THPT Vĩnh Trạch
Đó là các hoạt động được Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Thoại Sơn phối hợp các trường THPT trên địa bàn thực hiện. Theo đó, cán bộ trung tâm, trực tiếp là Giám đốc, Phó Giám đốc trung tâm sẽ đến các trường phổ thông để tư vấn, nói chuyện về giới tính, cung ứng dịch vụ - KHHGĐ cho các em HS. Sau hơn 2 tháng triển khai, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Thoại Sơn đã tổ chức được 4 buổi nói chuyện, sinh hoạt dưới cờ cho 1.400 HS tại 3 điểm trường (THPT Nguyễn Khuyến, THPT Vĩnh Trạch, THPT Nguyễn Văn Thoại).
“Ban đầu, các em HS còn tỏ ra ngại ngùng khi nhắc đến các vấn đề nhạy cảm về giới tính, tình bạn, tình yêu nhưng sau đó các em đều chăm chú lắng nghe. Có lẽ ở lứa tuổi phổ thông, các em cũng đã có một số kiến thức nhất định về vấn đề này qua sách, báo, Internet nhưng vẫn chưa được hệ thống lại và tìm ra một kiến thức chuẩn nhất. Chính vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao để các em hiểu rõ hơn về chính bản thân mình, sự thay đổi tâm sinh lý mạnh mẽ từ một đứa trẻ sang người trưởng thành. Để từ đó các em ý thức được những việc nên và không nên trong lứa tuổi, biết cách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân nhằm đảm bảo tốt cho việc học và phát triển toàn diện”- Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Thoại Sơn Trần Kim Sơn chia sẻ.
Theo BS Trần Kim Sơn, trong các buổi nói chuyện nhân viên trung tâm thường hướng dẫn các em cách nhận biết sự thay đổi bản thân ở độ tuổi dậy thì, cách thích ứng về mặt sinh lý và tâm lý. Ngày nay, trẻ em có xu hướng dậy thì sớm, khoảng 5% nam dậy thì sớm là do di truyền và tỷ lệ này ở nữ giới là 1%. Nguyên nhân dậy thì sớm ở trẻ thường do chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc chăn nuôi công nghiệp, các em bị ảnh hưởng các hình ảnh, phim ảnh của người lớn, một số khác do di truyền và bệnh lý.
Do vậy, các em cần cảm nhận những dấu hiệu phát triển của bản thân và chia sẻ với phụ huynh, thầy cô để có sự tư vấn nhằm ổn định tâm lý. Vấn đề vốn được xem là chuyện thầm kín, ai cũng phải trải qua để trưởng thành nếu không được nhìn nhận và hướng dẫn các em đúng đắn, sẽ dẫn đến những hậu quả như: trẻ dễ tổn thương tâm lý (bị sốc, bị tự kỉ, trầm cảm), trẻ dậy thì sớm thường tâm trạng không ổn định, dễ cáu gắt, thích thể hiện cái tôi, dễ mắc sai lầm và đua đòi theo những việc làm xấu, có nhu cầu tình dục theo bản năng chứ chưa nhận thức được nên dễ bị mắc sai lầm hoặc bị kẻ xấu lợi dụng.
Ở lứa tuổi vị thành niên trẻ em có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý, phát triển mạnh cá tính và muốn tìm kiếm những mối quan hệ bạn bè cùng lứa. Nhu cầu về tình bạn trở nên quan trọng và dễ chịu ảnh hưởng của nhóm bạn đó; đặc biệt vị thành niên chú ý đến người bạn khác giới và dễ nhầm lẫn tình bạn với tình yêu, do đó không kiểm soát giữa tình yêu và tình dục.
Trong khi đó, kiến thức về quan hệ tình dục an toàn của các em còn hạn chế, dễ dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai tại các cơ sở chui. Cùng với đó là các vấn đề tiêu cực trong các mối quan hệ như: đánh ghen, quay clip sex phát tán hình ảnh trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh, phẩm chất của các em HS, đặc biệt là HS nữ, gây ảnh hưởng đến tâm lý, học hành, có trường hợp các em còn tự vẫn.
Do vậy, theo kiến nghị của BS Trần Kim Sơn, chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản trong nhà trường, nếu có điều kiện cần đưa giáo dục giới tính trở thành môn học riêng biệt, bắt buộc trong trường. Cần có sự quan tâm sâu sát hơn từ phía gia đình và nhà trường đến sự thay đổi trong tâm - sinh lý của trẻ vị thành niên. Ngành chức năng đẩy mạnh các dịch vụ tư vấn hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe trẻ vị thành niên.
Bản thân trẻ vị thành niên cần nói không với các văn hóa phẩm không lành mạnh, nói không với rượu, bia, tệ nạn xã hội, quan hệ tình dục sớm. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, thể dục - thể thao, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, trong sáng, ưu tiên cho việc học và phấn đấu hết mình cho tương lai lâu dài phía trước.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG