Những cơn mưa ập đến đã phủ xanh lên những triền núi hùng vĩ của miền Thất Sơn. Cái nắng vẫn còn hầm hập nhưng nỗi lo cháy rừng đã nhẹ bớt trong lòng Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tịnh Biên Phan Văn Nghiệp, để ông có thể ngồi chia sẻ với chúng tôi câu chuyện “giữ rừng”. Ông Nghiệp cho biết: “Rừng là tài nguyên quốc gia và trách nhiệm của chúng tôi là giữ gìn, phát triển nguồn tài nguyên đó một cách tốt nhất. Ở An Giang, hiện tượng chặt phá rừng không phổ biến nhưng việc cháy rừng gây không ít thiệt hại, do đó chúng tôi xác định mục tiêu của mình là bảo vệ rừng trước sự đe dọa của “giặc lửa”, nhất là cao điểm những tháng mùa khô”.
Nói về trách nhiệm bảo vệ rừng trong những tháng mùa khô, ông Nghiệp cho biết, biện pháp được lực lượng kiểm lâm đẩy mạnh thực hiện là tuyên truyền để người dân cùng chung tay bảo vệ “lá phổi xanh”. Bởi, việc phòng cháy rừng mới là nhiệm vụ ưu tiên, còn chữa cháy rừng chỉ là giải pháp tình thế. “Những tháng mùa khô, các ngọn núi ở Tịnh Biên, Tri Tôn hầu như chỉ xám một màu của thân cây khét nắng. Lớp thực bì trở nên khô hanh nên nguy cơ cháy xảy ra rất cao. Do đó, lực lượng chúng tôi ngoài các biện pháp kỹ thuật như: tuần tra kiểm soát thường xuyên, phát dọn đường băng cản lửa thì công tác tuyên truyền để người dân cùng tham gia bảo vệ rừng đóng vai trò rất quan trọng. Khi ý thức của người dân được nâng cao thì sẽ hạn chế tối đa các nguyên nhân phát sinh cháy rừng”.
Chữa cháy rừng là nhiệm vụ vất vả và nguy hiểm
Đó là chuyện phòng cháy, còn chữa cháy rừng là cả một quá trình gian nan, vất vả và nguy hiểm. Từng có mặt trong lần diễn tập chữa cháy ở khu vực đồi 4, núi Phú Cường (xã An Nông, Tịnh Biên), người viết đã cảm nhận được phần nào sự vất vả, gian nan của lực lượng bảo vệ rừng khi ngọn lửa bùng phát dữ dội. Tiếng người hét vang thông báo cho nhau, tiếng máy chữa cháy đeo vai gầm rú vang cả núi rừng, tiếng chân chạy rầm rập trên đá núi giữa làn khói lửa nóng rát, mờ mịt khiến những ai tham gia vào tình huống ít nhiều cũng thấy lo sợ trước sự hung tợn của “bà hỏa”. Ông Nghiệp lý giải, đó chỉ là diễn tập theo kịch bản có sự chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, phương án chữa cháy cũng như diện tích cháy đã được chủ động kiểm soát. Với trường hợp cháy rừng thực địa thì ngọn lửa còn hung hãn hơn gấp nhiều lần và mức độ thiệt hại sẽ nặng hơn. Khi đó, lực lượng chữa cháy rừng phải huy động đến hàng ngàn người với những phương tiện, dụng cụ sẵn có để tiếp cận đám cháy.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang Trương Minh Hùng thông tin: “Với những đám cháy xảy ra ở khu vực đồi cao, dốc đứng đòi hỏi lực lượng chữa cháy rừng phải nỗ lực di chuyển thật nhanh, cố gắng mang được càng nhiều nước càng tốt. Khó nhất là chữa cháy rừng vào ban đêm mà đám cháy lại xảy ra ở những nơi không có đường đi hay lối mòn để tiếp cận. Nhiều anh em đã phải uống cả phần nước trong can nhựa dùng để chữa cháy rừng để có sức dập lửa khi đến nơi. Đường rừng nguy hiểm, dây leo, bụi gai chằng chịt khiến nhiều người bị thương trong quá trình chữa cháy nhưng tất cả đều nỗ lực bảo vệ rừng. Chưa kể trường hợp bom đạn còn sót lại trong chiến tranh, nếu nằm ngay khu vực đang cháy là mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm đối với chúng tôi trong quá trình làm nhiệm vụ”.
Không chỉ chữa cháy trên núi mà các cánh rừng tràm ở đồng bằng cũng có thể làm mồi cho “bà hỏa” bất cứ lúc nào. Điểm đặc biệt của các vụ cháy rừng tràm là tốc độ lửa lan nhanh với diện tích lớn khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. “Những anh em tham gia chữa cháy rừng tràm đôi khi bị lửa “dí” phải kẹt giữa đám cháy, lúc đó sẽ nguy hiểm vô cùng. Bởi thế, với những đám cháy rừng tràm đòi hỏi phải huy động lực lượng đông đảo, phương tiện đầy đủ cũng như các phương án chữa cháy được tiến hành nhịp nhàng mới có thể chống lại “bà hỏa”. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm An Giang đang yêu cầu lực lượng kiểm lâm phụ trách các huyện có rừng chuyển trọng tâm chữa cháy xuống khu vực đồng bằng, bởi đồi núi đã phần nào ổn định khi mùa mưa đang đến” - ông Phan Văn Nghiệp cho hay.
Không chỉ lo giữ rừng, lực lượng kiểm lâm còn tích cực trồng, phát triển rừng để tái tạo nguồn tài nguyên cho đất nước. Họ vẫn đang ngày ngày duy trì nhiệm vụ của mình để màu xanh của rừng mãi tốt tươi, trải dài trên từng ngọn núi hùng vĩ, từng cánh đồng tràm bao la, bát ngát. “Trong ngày kỷ niệm thành lập ngành kiểm lâm 21-5 hàng năm, chúng tôi đều tổ chức hội thao hay họp mặt nhằm tôn vinh, trân trọng những đóng góp của anh em trong việc giữ gìn nguồn tài nguyên rừng cho địa phương, đất nước. Đó là cách để chúng tôi động viên nhau, cùng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của ngành kiểm lâm, để rừng sẽ mãi tồn tại cùng chúng ta. Rất mong các cấp, ngành và người dân sẽ luôn đồng hành cùng chúng tôi trong công tác giữ gìn, bảo vệ rừng trong thời gian tới” - ông Trương Minh Hùng kêu gọi.
Việc mang nước lên khu vực đồi cao gặp nhiều khó khăn
THANH TIẾN