“Cột mốc sống” nơi biên giới
Tôi gặp ông Sáu Nhẫn (Đỗ Văn Nhẫn) trong một lần không hẹn trước. Tuy nhiên, lão nông này vẫn rất nhiệt tình tiếp đón theo đúng chất hào sảng của người miền Tây. Trước mắt tôi, ông lão vừa tròn sáu mươi tuổi vẫn còn hoạt bát, rắn rỏi đúng kiểu nông dân miền Tây, dù mái đầu đã bạc trắng thời gian.
Qua câu chuyện của ông, hình ảnh những ngày đầu chống dịch COVID-19 gian nan nơi biên giới bỗng ùa về. Đã từng đi, từng đến các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19, tôi hiểu rất rõ câu chuyện Sáu Nhẫn vừa kể. Nhắc đến kỷ niệm đó, đôi mắt ông đỏ hoe, bởi hình ảnh các chiến sĩ bộ đội biên phòng thời kỳ đầu chống dịch chưa có nơi ăn chốn ở, phải nằm võng qua đêm dưới mấy tấm bạt che tạm, đôi chân còn bám sình sau quá trình lội ruộng vẫn in sâu trong trí nhớ.
Ông Sáu Nhẫn hỗ trợ nhu yếu phẩm cho hộ nghèo địa phương
“Thấy em cháu cực khổ, trong lòng tui xót lắm nên quyết lòng phải làm điều gì đó. Tui vận động mấy chị em trong đội làm từ thiện tham gia nấu cơm cho anh em trên chốt. Rồi liên hệ với Đồn Biên phòng Nhơn Hưng (Bộ đội Biên phòng An Giang) để tìm cách cất các chốt kiên cố, cao ráo để anh em yên tâm làm nhiệm vụ, vì khi mùa lũ về thì mấy cánh đồng giáp biên trở thành biển nước” - Sáu Nhẫn nhớ lại.
Từ sự cố gắng của Sáu Nhẫn và anh em trong đội từ thiện cùng lực lượng bộ đội biên phòng, các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TX. Tịnh Biên dần được hình thành, giúp lực lượng chống dịch vượt nắng, thắng mưa, đi qua mùa lũ an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Dịch COVID-19 đi qua, Sáu Nhẫn trở về với công việc là “cột mốc sống” góp phần giữ gìn an ninh trên tuyến biên giới. “Vì có đất canh tác gần khu vực biên giới, nên tui cũng nắm thông tin hàng ngày, nếu có bất thường sẽ báo cho lực lượng bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương có cách xử lý kịp thời. Vì là dân cố cựu ở đất này, nên mọi người rất tin tưởng, mình phải cố gắng cho xứng đáng với niềm tin của bà con” - Sáu Nhẫn chia sẻ.
Với những đóng góp của mình, Sáu Nhẫn được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc” và bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, giai đoạn 2019 - 2024. Đó là sự ghi nhận xứng đáng vì những đóng góp của ông đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, cũng như trách nhiệm người công dân yêu nước khi tham gia giữ gìn an ninh tuyến biên giới.
“Địa chỉ” từ thiện tại địa phương
Với tâm nguyện phục vụ cộng đồng, ông Sáu Nhẫn cũng là người tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội tại phường Nhơn Hưng và các địa phương lân cận. Trong năm 2023, ông và những người cùng chí hướng đã vận động kinh phí, vật liệu để cất 20 căn nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Những căn nhà vững chãi, đủ che mưa, che nắng cho hộ nghèo yên tâm kiếm sống cứ lần lượt hình thành trong niềm vui của Sáu Nhẫn và anh em trong tổ cất nhà từ thiện.
“Bà con khó khăn về nhà ở, mình vận động được kinh phí thì cứ sẵn sàng giúp đỡ. Được anh em tín nhiệm, đồng lòng tham gia, tui mới làm được những việc ý nghĩa này, chứ một mình không kham nổi. Đây là thành quả chung của anh em, tui là người đứng ra tập hợp, vận động nguồn lực. Được các nhà hảo tâm tin tưởng, ủng hộ, tổ cất nhà từ thiện phường Nhơn Hưng mới giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn” - Sáu Nhẫn thật tình.
Không chỉ tham gia cất nhà cho hộ nghèo mà những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, Sáu Nhẫn đều sẵn lòng giúp đỡ. Ông cho biết, người đau bệnh không tiền lo viện phí, người qua đời không ai lo mai táng, người neo đơn không ai nuôi dưỡng… ông đều giúp đỡ theo khả năng. Ông tâm niệm, đã là con người với nhau thì phải hết lòng tương trợ, nhất là khi họ đang lâm vào cảnh khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Hưng Lê Thị Kim Sa cho hay, ông Sáu Nhẫn là thành viên tích cực trong công tác an sinh xã hội tại địa phương. Tùy vào nguồn lực, ông đóng góp hàng trăm phần quà giúp cho hộ nghèo hàng năm. Khi có những trường hợp cấp bách, ông sẵn lòng hỗ trợ mà không nề hà khó khăn.
“Chú Sáu Nhẫn là điển hình cho những cá nhân tích cực vừa góp công, vừa góp của để chăm lo công tác an sinh xã hội tại địa phương. Còn nhớ, đội cất nhà từ thiện của chú phải làm quần quật đến những ngày cuối của tháng Chạp, để kịp bàn giao nhà mới cho hộ nghèo đón Tết. Chúng tôi rất trân quý những người có tấm lòng như chú Sáu Nhẫn cùng anh em trong đội cất nhà từ thiện, bởi nó thể hiện sự đồng lòng giữa người dân và chính quyền vì sự phát triển của quê hương” - bà Lê Thị Kim Sa chia sẻ.
Dù có những đóng góp tích cực, Sáu Nhẫn chỉ dám nhận mình là người sống có ích cho cộng đồng. Ông vốn quen chân lấm tay bùn, là nông dân đúng nghĩa nên chưa bao giờ nghĩ việc mình làm là điều gì to lớn. “Tui chỉ ước mình có đủ sức khỏe để đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Mình đã sáu mươi tuổi, chỉ muốn một cuộc sống thanh nhàn, làm được điều có ích cho bà con đến khi nào không làm nỗi nữa thì thôi” - Sáu Nhẫn thật tình.
THANH TIẾN