Chuyến thăm quê ngắn ngủi của Bác Tôn

20/08/2018 - 04:59

 - Xa nhà từ thuở thiếu niên, trải qua khoảng 3/4 thế kỷ hoạt động cách mạng, trở thành nguyên thủ quốc gia nhưng Chủ tịch Tôn Đức Thắng chỉ về thăm quê nhà Mỹ Hòa Hưng vỏn vẹn trong 45 phút. Dù thời gian ngắn ngủi như thế nhưng Bác Tôn cũng kịp để lại ấn tượng sâu sắc cho người dân nơi đây về phong cách gần gũi, bình dị.

Phong cách anh Hai Nam Bộ

Xuất thân trong gia đình khá giả ở cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên), Tôn Đức Thắng từng được theo học chữ nho ở một trong những thầy dạy chữ nổi tiếng lúc bấy giờ là thầy Năm Khách (Nguyễn Thượng Khách).

Tuy nhiên, không thể ngồi yên trước tình cảnh nước nhà, Tôn Đức Thắng đã sớm rời xa gia đình, theo học Trường Bá Nghệ - Sài Gòn và làm công nhân Nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son để có cơ hội trui rèn bản lĩnh của một người yêu nước. Mới 16 tuổi, Tôn Đức Thắng đã tham gia tổ chức cuộc bãi công của học sinh Trường Bá Nghệ và công nhân hãng tàu.

Năm 1920, trở về Sài Gòn sau sự kiện kéo cờ ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga trên Hắc Hải nổi tiếng (năm 1918), Tôn Đức Thắng cùng những người bạn thân thiết lập ra tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam: Công hội bí mật tại Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trong thời gian lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn, rồi lãnh đạo Chi bộ đặc biệt ở nhà tù Côn Đảo, Bác Tôn luôn giữ phong cách bình dị, gần gũi của người con Nam Bộ, được đồng chí gọi thân thương là anh Hai Thắng.

Chuyến thăm quê ngắn ngủi của Bác Tôn

Chiếc tàu Giang Cảnh đưa Bác Tôn về thăm quê 45 phút

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Tôn được đón về đất liền, được giao nhiều trọng trách lớn. Khi đã trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969-1976), sau đó là Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (1976-1980), Bác Tôn vẫn luôn giữ đức tính khiêm tốn, giản dị, nghĩa tình.

Tháng 10-1975, về thăm cù lao Ông Hổ trên cương vị Chủ tịch nước nhưng Bác chỉ nhận mình là một người được Đảng và Nhà nước “cho phép” về thăm quê nhà, gặp lại anh em họ hàng, thăm hỏi bà con chòm xóm.

“Theo tôi được biết thì Bác Tôn về thăm quê ngay mùa lũ, nước ngập hết, mọi người đắp bao cát để Bác vào nhà. Mấy cụ kể, Bác rơi nước mắt vì không ra viếng mộ thân tộc được. Nhìn những kỷ vật thuở xưa, tiếp xúc với người quen, Bác đều ân cần hỏi thăm, nhắc lại chuyện cũ đầy xúc động. Các cụ nói, Bác gần gũi, thân tình với mọi người như người con lâu ngày về thăm quê, chứ không ai nghĩ đó là Chủ tịch nước” - ông Đàm Văn Ba, ấp Mỹ Khánh 2 (xã Mỹ Hòa Hưng) kể lại.

Trọn đời vì quê hương, đất nước

Suốt hơn 3/4 thế kỷ sống xa nhà và hoạt động cách mạng, Bác Tôn chỉ về thăm quê Mỹ Hòa Hưng được 2 lần, mà lần nào cũng ngắn ngủi. Lần đầu, Bác về thăm quê là năm 1945, sau khi được đón về từ nhà tù Côn Đảo. Lần thứ 2, Bác về thăm quê là tháng 10-1975. Chiếc tàu Giang Cảnh trực tiếp đưa Bác đi từ bờ Long Xuyên sang cù lao Ông Hổ. Trong 45 phút ngắn ngủi ấy, Bác chỉ kịp nhìn sơ cảnh vật xưa, thăm hỏi, hàn huyên với bà con, họ hàng.

Ở tuổi 87 và phải qua 30 năm mới trở lại thăm quê lần 2 nhưng Bác không dám nán lại quê lâu bởi sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều khó khăn và biết bao công việc cần phải giải quyết. Bác vội vã về, rồi lại vội vã đi để tiếp tục lo cho dân, cho nước, để lại ký ức gần gũi, thân thương trong lòng bà con, họ hàng và người dân Mỹ Hòa Hưng.

“Tính Bác bình dị, đơn sơ, thích sử dụng những món đồ do tự tay Bác làm. Đối với những món đồ được người khác tặng gắn với một kỷ niệm nào đó, Bác luôn trân trọng, giữ gìn cẩn thận. Hôm về thăm quê, dù trên cương vị Chủ tịch nước nhưng Bác chỉ mặc chiếc áo sơ mi trắng đơn giản, chiếc quần ít nhiều phai màu, đi đôi dép râu bình dị. Bác gặp ai cũng vui vẻ, thăm hỏi, trò chuyện ân cần” - ông Tôn Thành Thái (cháu gọi Bác Tôn bằng ông) nhớ lại.

Chuyến thăm quê ngắn ngủi của Bác Tôn

Ông Tôn Thành Thái vẫn lưu giữ ký ức về chuyến thăm quê của Bác Tôn

Theo lời ông Thái, dù xa quê đã lâu nhưng khi về thăm, Bác Tôn đều nhớ vị trí từng cây xoài, hàng sao, từng kỷ vật trước lúc đi làm cách mạng.

“Hồi đó, gia đình mang trái đu đủ chín cây ra tặng Bác, Bác không ăn liền mà nói sẽ mang sang nhà khách Tỉnh ủy ăn, do “bây giờ mừng quá, ăn không được”. Khi cụ Tôn Đức Nhung (em ruột Bác Tôn) hỏi: “Sao anh Hai không ở nhà chơi vài ngày? Gia đình nhớ anh quá”, Bác nói: “Ở lâu cũng được nhưng tốn hao của Nhà nước”.

Sau đó, gặp cán bộ tỉnh An Giang, Bác nói: “Đảng, Nhà nước “cho phép” tôi về thăm quê nhà, chưa bao giờ tôi thấy vui sướng như lúc này, khi cả nước được độc lập, tự do, thống nhất. Phong cách Bác vẫn cứ gần gũi, thân thương như thế” - ông Thái chia sẻ.

“Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân” - Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN