Cụ Lê Văn Thùy đến vùng đất này với tâm thế người thất chí, vì hoàn cảnh gia đình. Sử sách cho biết, cụ Thùy (sinh khoảng năm 1849, mất năm 1925, làng Trung Lương, tỉnh Mỹ Tho) là con của một vị quan triều Nguyễn (bị tử trận trong cuộc kháng chiến chống Pháp). Cụ Thùy biết chữ Nho, cùng vợ con sống đạm bạc ở làng quê. Qua một trận dịch bệnh hoành hành, vợ con chết hết, số người thân còn lại ít, thấy làng quê tiêu điều, cụ bỏ nhà vào vùng đất Thất Sơn. Ở trọ nhà của người quen (đoạn Nhà Bàng - Cây Mít, gần núi Trà Sư), cụ thường giao du, đàm đạo quốc sự với nhiều nhà sư và những người làm cách mạng.
Một hôm, trên đoạn đường lên núi Trà Sư, cụ bắt được cá trê vàng bơi ngược nước. Về nhà, cụ làm cá nấu canh bầu, ăn ngon miệng. Tuy nhiên, hôm sau cụ nhức đầu, nóng lạnh, thấy trong người khó chịu, nghĩ trước đó bị trận mưa nên ngã bệnh. Cụ tìm người điều trị, nhưng bệnh không hết, kéo dài, tứ chi cứ giãn ra, cao hơn 2,3m, người xung quanh ùn ùn đến xem.
Sau đó, tự nhiên cụ hết nhức đầu, khỏe mạnh lại, trở thành người khác thường. Cụ biết làm thuốc và trị bệnh cho nhiều người. Đặc biệt, có người cho rằng ai đoán trúng được việc kiết hung, thu hút nhiều tín đồ và đệ tử. Tin này lan ra khắp nơi, người đến mỗi lúc mỗi đông, sau đó đến tai Chủ tỉnh Châu Đốc người Pháp Doceuil.
Năm 1903, Pháp tình nghi cụ tham gia hội kín, cho là phá rối trị an nên đưa cụ về Châu Đốc điều tra, nhưng cho phép đi lại trong nội ô. Một đêm đi dạo chợ Châu Đốc, cụ thèm thuốc nhưng không tìm được lửa nên “nhón chân” mở cửa chiếc đèn lồng treo lề đường để mồi thuốc. Người dân thấy lạ, xúm xít đến xem, làm ách tắc giao thông, cụ bị cảnh sát đưa về bót quản thúc. Năm 1904, Chủ tỉnh Châu Đốc tổ chức hội thi “người khổng lồ”, cụ Thùy đoạt giải quán quân. Do cụ ở Nhà Bàn, lại cao quá khổ nên cụ “chết danh” ông Cao Nhà Bàn, được người dân ngưỡng mộ.
Một hôm, Chủ tỉnh Châu Đốc hỏi: “Ông Cao cao lớn như vậy, có bùa phép gì không?”. Cụ Thùy trả lời: “Không bùa phép gì, nhưng có chứng bệnh thường xuyên bị nhức đầu”. Nắm được cớ này, ông Doceuil ngầm cho người chích thuốc, sau cụ Thùy tê liệt tứ chi, được người Pháp thả ra nhưng tiếp tục theo dõi. Chưa yên tâm, Phó tham biện Châu Đốc và Chánh án Tòa sơ thẩm Châu Đốc tìm cớ đến “thăm”, giả vờ khuyên cụ mau hết bệnh để họ đưa cụ thi “người cao nhất thế giới”. Thời gian sau, cụ Thùy bệnh thêm nặng và qua đời năm 1925, chôn cất ở triền núi Trà Sư. Lúc đầu là mộ đất, sau xây lại mộ đá, nhưng không ghi ngày tháng năm sinh hay mất. Mộ phần của cụ ghi “Ông Năm Cao, thuộc tổ 9, khóm Hòa Thuận, thị trấn Nhà Bàn”.
Ông Nguyễn Nhậm, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật huyện Tịnh Biên cho biết, ở vùng đất Thất Sơn có nhiều chuyện kỳ bí, thường truyền miệng, do chưa đủ chứng cứ nên rất khó thông tin. Chuyện nói về cụ Cao nửa thế kỷ trước đã có tập “Truyện ký biên thùy” của cụ Liêm Châu phản ánh, được coi là chuyện người thật, việc thật. Ngoài ra, nhiều thông tin cho biết người Pháp đã dùng ảnh của cụ Thùy in trên các con tem và bưu thiếp. Người lớn tuổi biết cụ Cao cao dị thường, nhưng về gốc tích sự việc ít có người tường tận.
Một nhà báo lâu năm ở huyện Tịnh Biên cho biết, chuyện về cụ Cao Nhà Bàn dù cả trăm năm nhưng người dân ở đây vẫn còn nhớ. Họ trân trọng, ngưỡng mộ cụ Cao, vì ngoài chuyện hốt thuốc trị bệnh cứu người, cụ là người sống ngay thẳng, nhân hậu, rất hòa đồng và yêu thương mọi người. Bằng chứng cho thấy, dù cụ Cao qua đời đã gần 1 thế kỷ, nhưng mộ chí của cụ vẫn được người dân chăm sóc, xây dựng lại.
Giai thoại về cụ Năm Cao dù có “tam sao thất bản”, nhưng tựu trung xoáy vào mấy điểm chính, nhiều người biết. Như trước khi bệnh, cụ ăn các loại động vật, sau bệnh cụ chỉ ăn chay trường, thấy mùi thịt cá là bị ói mửa. Lúc còn sống, do vướng đôi chân quá khổ nên cụ thường đi chân trần, bởi không có dép, guốc nào xỏ vào được. Đến khi cụ mất, cũng do khổ người dị thường nên không quan tài nào vừa, phải làm riêng và mộ phần cũng to lớn hơn.
TS Ngô Quang Láng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang cho biết, ông sưu tập được hình ảnh của cụ Cao trên bưu thiếp xưa do người Pháp lưu hành. Họ chú thích: “Một người khổng lồ ở Châu Đốc cao 2,5m”. Tấm ảnh này còn được minh họa cho tập sách “Biên thùy truyện ký” của nhà khảo cứu Liêm Châu, được nhà văn Sơn Nam đề tựa giới thiệu, trong ảnh ghi bàn chân dài: 0th,40. Như vậy là đã rõ. Nhưng thực tế cụ Cao cao lớn bao nhiêu, dị thường do bạo bệnh chết đi sống lại hay là do bẩm sinh? Dù thế nào đi nữa, với độ cao và khổ người nói trên, danh quán quân “người khổng lồ” của cụ Cao cho đến nay vẫn khó người vượt qua được. Đã có người cho rằng, cụ Cao Nhà Bàn là “dị nhân”, nhưng thực chất, cụ là một nạn nhân của xã hội.
NGUYỄN RẠNG