Không ở đâu, cổ động viên bóng đá lại "trở mặt" nhanh như ở Việt Nam. Thắng không nói gì, thua hay hòa đối thủ, từ huấn luyện viên đến cầu thủ đều bị ném đá, xúc phạm thậm tệ. Từ một người hùng trước đó, sau 90 phút, tất cả có thể thành một "tội đồ".
Trường hợp tiền đạo Hà Đức Chinh trong trận Việt Nam - Malaysia tối qua (11-12) là một dẫn chứng. Cư dân mạng dùng đủ từ ngữ nặng nề nhất để mỉa mai cầu thủ mới sinh năm 1997.
Đức Chinh bị dân mạng chế ảnh nhạo báng không thương tiếc
Trước Hà Đức Chinh, Nguyễn Công Phượng cũng trở thành nạn nhân của sự mỉa mai. Trong trận bán kết lượt đi giữa Việt Nam - Philipines, gần cuối trận Công Phượng đã có pha đi bóng đầy kỹ thuật. Anh loại bỏ hậu vệ và thủ môn đối phương nhưng cú dứt điểm cuối cùng lại... ra ngoài.
Dân mạng thay nhau cười cợt, chế ảnh, cùng những bình luận đầy ác ý. Họ "cào phím", đặt tên cho cú sút này là "Cú lừa qua hậu vệ, thủ môn đội bạn và dứt điểm lừa 90 triệu cổ động viên nước nhà". Cũng may, Anh Đức, Văn Đức đã ghi bàn, dẫn tỉ số chung cuộc 2 - 1. Nếu không, chắc chắn Công Phượng phải hứng chịu cơn nổi giận tanh bành của cổ động viên nước nhà.
Và trong trận tái đấu Philipines trên sân Mỹ Đình, chỉ vào sân 3 phút, Công Phượng đã làm rung lưới đội tuyển Philipines. Cùng bàn thắng đẹp mắt của Quang Hải, Công Phượng giúp Việt Nam dẫn tỉ số 2 - 0, đưa đội tuyển quốc gia lọt vào Chung kết AFF Cup sau 10 năm người hâm mộ mòn mỏi đợi chờ.
Ngay lập tức, dân mạng lại quay sang ca ngợi "cựu tội đồ" Công Phượng. Chính Công Phượng cũng viết hóm hỉnh trên trang cá nhân: "Lần này không lừa cả nhà nữa nhé".
Dân mạng sáng tác câu chuyện Công Phượng truyền kinh nghiệm cho Đức Chinh lừa 90 triệu người hâm mộ nước nhà
Làm nghề cầu thủ, chuyện từ người hùng bỗng chốc trở thành tội đồ sau trận đấu từ lâu đã không có gì là mới lạ ở Việt Nam. Bất kỳ tuyển thủ nào cũng ít nhất một lần gặm nhấm nỗi cay đắng ấy. Thắng thì được tung hô, thua bị chửi tơi bời. Cổ động viên chửi từ Huấn luyện viên đến cầu thủ, nếu lỡ làm họ thất vọng, chẳng cần biết lý do gì.
Nên nhớ rằng, bóng đá là một môn thể thao có tính đối kháng cao. Đã bước vào cuộc chơi, thắng, thua là rất đỗi bình thường. Không một cầu thủ nào bước vào trận đấu lại muốn đội tuyển của mình thất thủ trước đối thủ. Tất cả chỉ vì màu cờ sắc áo, vì lòng tin của người hâm mộ.
Ngoài các yếu tố trọng trách vừa kể, thì trong sự nghiệp ngắn ngủi, ghi bàn thắng là mục tiêu của mỗi cầu thủ. Buộc phải có bàn thắng thì danh tiếng, vật chất, phần thưởng mới tìm đến với cầu thủ. Chẳng ai không muốn ghi bàn. Đá vì trọng trách và vì chính bản thân và gia đình, chẳng cầu thủ nào dại dột đi hờ hững với bàn thắng, không khao khát.
Thế nhưng, đã là cuộc chơi, làm sao chắc chắn trăm trận trăm thắng? Ngoài kỹ thuật, chiến thuật, còn có sự may rủi. Không có kẻ thắng, người thua thì đó đâu còn là cuộc chơi nữa?
Thử nghĩ, sau trận đấu mệt nhoài, chưa kể bị chấn thương, các tuyển thủ mở mạng ra, toàn thấy cổ động viên chửi rủa mình thay vì động viên, cảm giác của họ sẽ thế nào? Rất hụt hẫng và tủi thân.
Hình ảnh hài hước đến...đau lòng của dân mạng dành cho Công Phượng sau cú sút không thành công trận bán kết lượt đi giữa Việt Nam- Philipines
Thoải mái chỉ trích mỗi khi đội tuyển không chiến thắng, có sai sót ngoài kiểm soát trong trận đấu, cổ động viên Việt Nam thể hiện sự ích kỷ và độc đoán. Đồng ý rằng, sự độc đoán, ích kỷ đó cũng có phần nào xuất phát từ tình yêu bóng đá đích thực. Nhưng không thể cứ yêu mù quáng, bắt buộc "người yêu" phải làm cho bằng được ý mong muốn của mình, không cần suy xét.
Ngay cả trận cầu giữa Việt Nam - Malaysia đêm qua, là một trận đấu hay, thể hiện sự đoàn kết, kỷ luật, sự nỗ lực rất lớn của đội tuyển Việt Nam.
Giữa một chảo lửa người hâm mộ áo vàng, thi đấu trên sân nhà của đối thủ, trong điều kiện mưa lớn vừa dứt hạt nhưng đội tuyển Việt Nam đã lăn xả, dẫn trước 2 - 0 trong suốt hiệp 1 và cầm hòa tỉ số 2-2 chung cuộc. Vậy mà, sự cố gắng đó vẫn không thể làm hài lòng người hâm mộ. Nỗ lực hết mình cho đến cạn sức lực, kết quả như vậy là đã quá "đẹp" rồi, có phải bán độ đâu mà chỉ trích dữ dội vậy? Có phi lý không?
Huấn luyện viên Park Hang Seo cũng bị người hâm mộ trách móc, thắc mắc tại sao không đưa Công Phượng vào sân sớm hơn. Nặng nề nhất là tiền vệ Hà Đức Chinh, cầu thủ đã ít nhất hai lần làm vuột mất cơ hội ghi bàn thắng cho đội nhà. Ngay sau trận đấu, trang cá nhân của Đức Chinh bị thả bom lên án, nhạo báng, chế giễu, phẫn nộ.
Công Phượng ghi dòng cảm xúc sau khi ghi bàn thắng ở trận tái đấu Philipines trên sân Mỹ Đình, đưa đội tuyển Việt Nam vào chung kết giải AFF
Được cổ động viên nước nhà ủng hộ cuồng nhiệt là một thuận lợi đội tuyển Việt Nam. Đó là sức mạnh khích lệ cầu thủ rất lớn, không gì sánh nổi. Nhưng sự cuồng nhiệt phải nằm trong kiểm soát và trong chuẩn mực văn hóa, tránh trở thành quá khích.
Phải nhìn nhận, dưới thời của huấn luyện viên Park Hang Seo, đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ mạnh như vậy. Bóng đá Việt Nam đang hóa rồng. Chiều cao, thể lực, kỹ thuật của cầu thủ nâng lên rõ rệt. Nhìn các cầu thủ Việt Nam thi đấu trên sân, không còn "lép vế" về chiều cao, thể trạng so với các đối thủ nước bạn, đã là niềm hãnh diện to lớn cho cả dân tộc, huống chi các em đã mang về chiến thắng cho quốc gia.
Đã xa rồi cái thời Liên đoàn bóng đá Việt Nam thay đổi ngay huấn luyện viên đội tuyển quốc gia sau một trận đấu vì...thất bại, xoành xoạch hết vị này đến vị khác. Thay vào đó, những tin vui chiến thắng liên tiếp, người hâm mộ đang nức lòng. Đừng vì những sai sót nhỏ trong mỗi trận đấu mà buông lời cay nghiệt, bóp nghẹt sự phấn khởi đó!
Các em trong đội tuyển còn rất trẻ, đa số đều đôi mươi, dễ bị tổn thương. Các em đã làm nên những kỳ tích thần kỳ mà các thế hệ cầu thủ đàn anh chưa làm được.
Nếu người hâm mộ biết chia sẻ khó khăn, cũng như thất bại (nếu có) của đội tuyển, thay vì chỉ trích thì cầu thủ càng sẽ thấy mình có trách nhiệm hơn, đá tốt hơn. Đừng ích kỷ, thiển cận và cho rằng mình có quyền "bắt buộc" cầu thủ làm theo ý muốn, đùng đùng "trở mặt" khi kết quả trận đấu không như mong muốn.
Theo LÊ NGỌC DƯƠNG CẦM (PetroTimes)