Hơn 1 tháng nay, cô Trân phải nghỉ dạy không thời hạn để tập trung cho việc điều trị bệnh. Trong thời gian đó, cô Trân nhập viện đến 6-7 lần. Ba, mẹ cô thay phiên nhau chăm sóc cô và đứa cháu ngoại thơ dại. Chồng cô khi hay tin cô mắc bệnh hiểm nghèo thì “bặt vô âm tín”.
“Chồng con gái tôi đi làm ở TP. Hồ Chí Minh. Khoảng vài tháng gửi tiền về lo cho vợ, con. Từ ngày chúng tôi báo tin vợ nó bị bệnh nặng, nó không 1 lời hỏi thăm, con nhỏ chẳng màng. Những ngày con tôi nằm viện, chồng nó không về thăm, dù chỉ 1 lần” - bà Phạm Thị Mai Thảo (sinh năm 1971, mẹ cô Trân) chua xót chia sẻ.
Thấy mẹ khóc, cô Trân cố an ủi, xem như đó là phần số của mình. Nhưng khi nghe tôi hỏi đến đứa con nhỏ 10 tháng tuổi, nước mắt người phụ nữ ấy cứ trào dâng như chưa bao giờ được khóc.
Cô Trân nghẹn ngào: “Tôi mới phát bệnh từ trước Tết đến nay. Ban đầu, tôi bị đau bụng nhẹ nên nghĩ mình đau bao tử nên mua thuốc uống đỡ. Vài hôm sau, cơn đau cứ quặn lên từng cơn, lần sau dữ dội hơn lần trước khiến tôi muốn xỉu. Tôi được chuyển ra Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán tôi bị tắc ruột do u đại tràng trái và được phẫu thuật đưa đại tràng ngang làm hậu môn nhân tạo. Thời gian nằm viện điều trị, dù đã đỡ hơn nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thấy đau nhói ở bụng. Sau khi xuất viện, với lần tái khám thứ 2, tôi nhận được tin báo mình bị khối u đại tràng trái (nguy cơ ác tính cao). Tôi sợ lắm! Lỡ số phận không may, tôi có bề nào thì con gái nhỏ của mình sẽ ra sao”.
Cô Trân (bìa phải) bên mẹ và con gái nhỏ
Từ người phụ nữ khỏe mạnh, sắc vóc hồng hào, vậy mà giờ đây trông cô Trân tiều tụy hẳn, cân nặng chỉ trên dưới 40kg, gương mặt xanh xao. Với hậu môn nhân tạo đặt ở hông trái, khiến mọi sinh hoạt của cô Trân trở nên bất tiện. Đến bồng con nhỏ, cô cũng không có sức. Theo gia đình cô Trân, từ lúc phát bệnh đến nay, để có tiền điều trị cho cô, họ đã vay mượn khắp nơi.
Hiện, tinh thần cô Trân rất hoang mang, gia đình muốn đưa cô lên TP. Hồ Chí Minh khám và điều trị căn bệnh quái ác nhưng điều kiện không cho phép. “Để con gái mình được sống khỏe mạnh, cực khổ thế nào tôi cũng chịu. Tôi chỉ hy vọng con mình được giúp đỡ, có điều kiện phẫu thuật khối u thành công, sớm khỏe mạnh nuôi dạy con nó nên người!”- bà Thảo chia sẻ.
Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học C thị trấn Núi Sập Dương An Khương cho biết: “Cô Trân là giáo viên nhiệt tình, tâm huyết và tận tụy với nghề. Dù chỉ mới chuyển về trường được vài tháng nhưng đồng nghiệp và học sinh rất yêu mến. Hay tin cô Trân bị bệnh nặng, giáo viên chúng tôi đã đóng góp hỗ trợ nhưng số tiền chẳng là bao.
Hiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thoại Sơn đã có thư ngỏ, kêu gọi sự chung tay của toàn thể cán bộ, giáo viên của huyện để cô Trân sớm có điều kiện điều trị bệnh, hy vọng các nhà hảo tâm tiếp thêm sức, để đồng nghiệp chúng tôi sớm trở lại mái trường giảng dạy và nuôi dạy con”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN