Cơ hội mua ô tô, thịt, sữa từ châu Âu giá rẻ đang tới gần

20/02/2020 - 18:35

Người tiêu dùng Việt sẽ có cơ hội mua các sản phẩm từ sữa, phô mai, thịt... của EU với chất lượng và giá tốt trong thời gian tới.



Mặt hàng thịt lợn, thịt gà sẽ thuế nhập khẩu về 0 % sau 7 năm với 3 dòng thuế thịt lợn đông lạnh và 9 năm đối với các loại thịt lợn khác. Ảnh minh họa: TTXVN.

Ngày 12/2, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ phiếu ủng hộ lần lượt là 401/633 và 407/633.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, từ nay đến kỳ họp Quốc hội gần nhất (dự kiến vào tháng 5), Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Chủ tịch nước và Quốc hội xem xét thông qua; đồng thời chuẩn bị ban hành kế hoạch hành động để tận dụng EVFTA.

“Nếu thuận lợi, dự kiến tháng 7 tới, EVFTA sẽ được đưa vào thực thi”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Theo cam kết tại EVFTA, ngay khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5 % số dòng thuế, tương đương 64,5 % kim ngạch xuất khẩu của EU. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô phân khối lớn sau 9 năm, hiệp định có hiệu lực. Với các loại ô tô khác thuế nhập khẩu về 0 % sau 10 năm. Với phụ tùng ô tô là 7 năm, 10 năm với xe máy thường và 7 năm với xe máy trên 150 cm3.

Như vậy, với các dòng xe nhập khẩu BMW, Mercedes, Audi... người tiêu dùng có thể kỳ vọng giảm được chi phí mua xe nhất định từ năm 2029 - 2030, nếu EVFTA đi vào hiệu lực từ ngày 1/7 như dự kiến.

Thực tế, các mẫu xe này đang chịu mức thuế nhập khẩu 70 - 80 %. Cộng thêm các loại thuế, phí khác, giá xe chào bán tại Việt Nam thường cao gấp 2-3 lần giá bán nội địa ở châu Âu. Khi thuế nhập khẩu về 0 %, ngoài việc cắt giảm được 70 - 80 % giá xe ban đầu, các loại thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng cũng giảm đi. 

Ngoài ôtô, máy móc, linh phụ kiện... công nghiệp, EU cũng được biết đến là nơi chế biến và xuất khẩu thực phẩm chất lượng cao. Do đó, dù các loại sữa, thịt, cá nhập khẩu từ châu Âu là những mặt hàng người dân mong mỏi được mua với giá tốt khi EVFTA có hiệu lực.

Với hiệp định EVFTA, mặt hàng thịt lợn, thịt gà sẽ thuế nhập khẩu về 0 % sau 7 năm với 3 dòng thuế thịt lợn đông lạnh và 9 năm đối với các loại thịt lợn khác. Đối với thịt gà thì lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 10 năm.

Các loại rượu vang, rượu mạnh, bia sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% sau 7 năm với rượu vang, rượu mạnh, sau 10 năm với bia.

Với các loại sữa và các sản phẩm từ sữa được cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0 % sau lộ trình 3-5 năm, còn cá và các sản phẩm từ cá sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 3 - 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20 % vào năm 2020; 42,7 % vào năm 2025 và 44,37 % vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Cùng đó, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28 % vào năm 2020; 33,06 % vào năm 2025 và 36,7 % vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25 % (năm 2019-2023); 4,57 - 5,30 % (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72 % (năm 2029 - 2033).

Bên cạnh đó, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam.

Đồng thời, giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…

Những cam kết về quản trị nhà nước sẽ đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho nhà đầu tư của cả hai bên nói chung và các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ EU nói riêng.

Theo THU TRANG (Báo Tin Tức)