Có một nỗi đau mang tên… “tai nạn giao thông”

13/12/2018 - 06:59

 - Tai nạn giao thông (TNGT) để lại những hậu quả vô cùng to lớn cho gia đình những nạn nhân và hệ lụy không nhỏ cho xã hội. Những cái chết thương tâm, những thương tích nặng nề đeo đẳng những nạn nhân cả cuộc đời, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội…

Hậu quả nặng nề

Hậu quả của TNGT thật khủng khiếp, nặng nề, để lại cho người thân, gia đình và tất cả người ở lại nỗi đau mất mát không thể nào nguôi ngoai. TNGT có thể cướp đi sinh mạng của bất kỳ ai và bất kỳ lúc nào, từ người già đến trẻ, từ những người trụ cột trong gia đình đến học sinh, sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước. Những thảm cảnh đau thương cho biết bao gia đình: vợ mất chồng, con phải lìa cha, cha mẹ mất con vì TNGT.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân khi tham gia giao thông

Không ít nạn nhân dù may mắn giữ được mạng sống nhưng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề bởi những di chứng của thương tật, thậm chí đến suốt đời. Chi phí điều trị cho những vụ TNGT rất tốn kém. Nhiều gia đình phải tán gia bại sản, khánh kiệt vì người thân bị TNGT. Có lẽ, chỉ những nạn nhân, gia đình có người thân là nạn nhân của TNGT mới thấu hiểu được hậu quả khôn lường mà TNGT đã gây ra cho bản thân và gia đình họ.

“TNGT đã cướp đi sinh mạng của vợ và con tôi. Tôi chỉ mong muốn, mọi người khi tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật để không xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc, mang lại nỗi đau cho người khác, như chính nỗi đau mà tôi đang phải gánh chịu” - anh Trần Thanh Triều (ngụ xã Kiến Thành, Chợ Mới), nạn nhân còn sống trong vụ chìm sà lan chở cát, làm 2 người chết trên sông Hậu, đoạn thuộc khu vực xã Vĩnh Trường (An Phú) xảy ra vào cuối tháng 10 vừa qua.

Nâng cao ý thức người dân

Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, 11 tháng của năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 76 vụ TNGT, làm 76 người chết và 41 người bị thương. So cùng kỳ năm 2017, giảm 15 vụ (16,5%), giảm 10 người chết (11,6%) và giảm 15 người bị thương (26,8%). Kết quả trên cho thấy, bên cạnh những nguyên nhân khác thì nguyên nhân chủ yếu gây TNGT chính là do sự thiếu ý thức của người dân tham gia giao thông.

Ngoài những tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, vẫn còn không ít người dân rất thiếu ý thức khi tham gia giao thông, như: không đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy; phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá tốc độ quy định; sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ cồn cho phép khi tham gia giao thông; đi không đúng phần đường, làn đường quy định; điều khiển xe khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe…

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Vương Bình Thạnh đề nghị: các cấp, ngành, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông với sự đổi mới về nội dung, hình thức. Mỗi gia đình, nhà trường chú trọng giáo dục trẻ em ý thức, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, ban, ngành cần xác định công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, để kịp thời lãnh, chỉ đạo, thực hiện một cách hiệu quả.

Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an  toàn giao thông, nhất là những lỗi có nguy cơ gây ra TNGT. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông của nhân dân, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, tạo môi trường giao thông an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Bài, ảnh: L.H