Có một núi Sam nhẹ nhàng!

10/06/2023 - 10:31

 - Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn là tên khác không mấy quen thuộc của núi Sam, ngọn núi nổi tiếng ở TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang). Điều thú vị, núi Sam không thuộc “năm non bảy núi” của vùng Thất Sơn, nhưng lại là điểm đến rất đáng trải nghiệm, bởi sự an yên như thuở nào.

Theo thống kê chưa đầy đủ, có gần 200 đền, chùa, am, miếu... từ chân núi, sườn núi đến đỉnh núi Sam. Trong đó, nổi tiếng linh thiêng nhất là Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, được công nhận là Khu Du lịch quốc gia vào năm 2018. Đầu Xuân hoặc vào mùa lễ hội Vía Bà (cuối tháng 4 âm lịch), hàng triệu du khách trong và ngoài nước tìm về đây hành hương, cúng viếng, cầu bình an.

Mùa hè, núi Sam chìm đắm trong màu sắc của hoa cỏ ven đường. Đó có thể là những đốm hồng nhạt nhỏ xíu của hoa ti-gôn, trải dài hai bên vách núi.

Hoặc có thể là màu đỏ cháy của hoa phượng, thắp sáng một góc trời núi non.

Rất nhiều món ăn vặt được bày bán theo con đường lên núi, chủ yếu là nước giải khát, kem, giúp xua đi cơn mệt của khách hành hương trong quá trình chinh phục ngọn núi nhỏ.

Rất nhiều khoảnh khắc bình yên của người dân địa phương lọt vào ống kính của tôi. Là khu du lịch nổi tiếng, núi Sam quến khách bằng tâm tình của người miền Tây Nam Bộ chất phác, hiền lành. Kể cả kinh doanh dịch vụ du lịch, họ vẫn bán theo mức giá rất phải chăng. Những ngày núi Sam rộn ràng lễ hội, dù đã quá quen thuộc, họ vẫn hòa vào không khí chung, trước góc nhà mình.

Khác chăng, vào thời điểm tổ chức lễ phục hiện rước tượng Bà từ trên đỉnh núi xuống, nhà nào cũng chuẩn bị mâm cúng bà phía trước, nhang khói nghi ngút. Họ cầu mong, khi đoàn làm lễ đi ngang qua, Bà Chúa Xứ chứng giám, hiểu được lòng thành con cháu, phù hộ độ trì mọi điều may mắn cho gia đình.

Đến với núi Sam hiện giờ, đừng lo bị “chặt chém”, bởi giá đồ ăn thức uống vẫn y chang nơi khác, không hề chênh lệch. Thậm chí, nhiều tổ chức, cá nhân sẵn lòng phát thức ăn, nước uống miễn phí cho khách phương xa, giúp đường dài như ngắn lại.

Đến với núi Sam mùa lễ hội, du khách dễ dàng nhìn thấy những đoàn lân sư rồng nổi bật thế này. Chỉ riêng hôm phục hiện rước tượng Bà, cách vài mét, lại có một đoàn lân chờ đón sẵn.

Tổng cộng, 66 đoàn lân sư rồng từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh tham gia, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, sẵn sàng nổi trống, khua chiêng, nhảy múa phục vụ du khách trong quá trình chờ đón rước tượng Bà.

Ngọn núi cao chưa đến 300m, đường lên núi được đầu tư rộng rãi, thoáng mát, độ dốc vừa phải, đi bộ, đi xe hay cáp treo đều được. Chính vì thế, du khách đến đây thuộc mọi độ tuổi, háo hức chinh phục đỉnh núi bằng tấm lòng và sức lực bản thân, tự hào chia sẻ hình ảnh cho người thân, bạn bè.

Bé Khang chỉ mới 1 tuổi thôi, đứng còn chưa vững, nhưng đã theo cha mẹ lặn lội từ TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) sang dự Vía Bà mấy hôm nay. Cậu bé cực kỳ đáng yêu trong bộ quần áo chú tiểu, ngây thơ nhìn ngó màu sắc rực rỡ quanh mình.

Hai vệ đường đều trở thành nơi nghỉ ngơi, dừng chân chốc lát của khách hành hương. Mùa vía Bà trùng với đầu mùa mưa, khí hậu mát mẻ, những cơn mưa chưa nặng hạt, rất thích hợp tham quan, du lịch.

Vợ chồng bà Phương (56 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) đi đi về về giữa TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc gần như hàng ngày để kinh doanh. Như bao người khác, bà đặt niềm tin vào Bà Chúa Xứ núi Sam, thường xuyên đến Miếu Bà cúng viếng. “Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi sắp xếp được thời gian leo lên đỉnh núi. Mới đi phân nửa đoạn đường, tôi đã cảm thấy đuối sức, nên tìm chỗ nghỉ ngơi, nhìn ngắm cảnh vật” – bà chia sẻ.

Những công nhân âm thầm dọn sạch từng dấu tích du khách đi qua, cần mẫn leo lên leo xuống ngọn núi nhiều bận trong ngày. Khách đến càng đông, lượng rác thải phát sinh càng nhiều, họ càng vất vả. Nhưng sự vất vả ấy được đền đáp bằng khung cảnh xanh – sạch của núi Sam.

Du khách sẽ nhìn thấy nhiều nhóm 9 nữ sinh đứng đợi khiêng kiệu rước tượng Bà về chân núi. Theo truyền thuyết, Bà Chúa Xứ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành. Muốn lên núi khiêng tượng Bà về thờ cúng, mấy chục thanh niên khỏe mạnh không thể nào nhấc tượng Bà lên được. Đến khi 9 trinh nữ, tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc đẹp tới thỉnh Bà, quả nhiên thành công. Chi tiết ấy được tái hiện hàng năm trong lễ phục hiện rước tượng Bà.

Năm nay, Lâm Như Ý (người đầu tiên bên phải) và các bạn cùng lớp 10A5 (Trường THPT Võ Thị Sáu, TP. Châu Đốc) được chọn tham gia rước tượng Bà. “Tụi em chờ từ 11 giờ trưa đến 6 giờ chiều để hoàn thành nghi lễ. Tuy mệt, nhưng công việc rất ý nghĩa, rất vui” – Ý  bày tỏ.

Quá trình phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh xuống chân núi - nơi Miếu Bà được lập nên – diễn ra rất long trọng, thu hút đông đảo du khách, nhân dân địa phương tham gia. Những hình ảnh sống động, sắc màu như dòng chảy văn hóa tâm linh đặc sắc, đem đến dấu ấn về một núi Sam rất huyền ảo, diệu kỳ mà lại không kém phần dễ thương, an yên!

GIA KHÁNH