Còn đó nỗi lo với an toàn thực phẩm

06/07/2021 - 03:19

 - Thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn là nỗi lo chung của toàn xã hội. Dù có khá nhiều lực lượng tham gia vào công tác quản lý, như: cơ quan quản lý thị trường, kiểm dịch, ban quản lý chợ, chính quyền địa phương... Song, vẫn khó kiểm soát được hết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Lo ngại với thực phẩm chay

Trên thị trường, thực phẩm chay rất đa dạng và phong phú, không chỉ chế biến bằng rau, củ đơn thuần, đồ chay “giả mặn” đang được nhiều người lựa chọn vì sự tiện lợi, biến tấu gia vị, hương liệu và tên gọi hấp dẫn. “Tôi nghĩ đồ chay lạm dụng nhất là sử dụng hàn the trong chế biến các sản phẩm, như: chả đòn, tàu hủ để tăng độ dai. Món chay rất phong phú và cần nhiều loại thực phẩm chế biến để đảm bảo dinh dưỡng, trong khi người mua hiện nay chỉ biết đặt trọn niềm tin vào người bán”- chị Huỳnh Thị Kim Loan (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm

Một trong những vụ vi phạm gần đây xảy ra tại hộ kinh doanh của bà Phan Thị Bích Tuyền (xã Tân Hòa, huyện Phú Tân). Hộ của bà Tuyền sản xuất thực phẩm chay nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP và hồ sơ tự công bố sản phẩm; hàng hóa chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và các giấy tờ liên quan.

Tại thời điểm kiểm tra, bà Tuyền khai nhận mua chả lụa cá nhãn hiệu Chin Thuy Food của Công ty TNHH MTV Chín Thủy và tự tháo nhãn của công ty, thay vào đó dán nhãn do bà tự in theo yêu cầu của khách mua thành “chả cá chay”, “chả nấm chay”, “chả nấm bào ngư” gắn với nhiều tên khác nhau. Toàn bộ hơn 3 tấn sản phẩm trị giá khoảng 200 triệu đồng đã bị thu giữ để điều tra.

Đợt cao điểm kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) thực phẩm trong Tháng hành động về ATTP, chúng tôi được mục sở thị một số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm chay. Đáng nói, ở những nơi này, còn nhiều nội dung chưa chấp hành đúng quy định về ATTP, như: nơi chế biến, đóng gói, môi trường... Cùng là nguyên liệu đậu nành hoặc “lát chay” (đậu và các gia vị sơ chế thành phẩm) tiếp tục được ngâm, ướp thêm tiêu gọi là khô tiêu, ướp phẩm màu đặt tên là khô đỏ… Ngày sản xuất và hạn sử dụng in trên bao bì không khớp với thực tế, đóng gói sơ sài, một số nguyên liệu đặt ở nơi không đảm bảo điều kiện sạch sẽ và an toàn.

Còn nhiều vi phạm

Theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2021, đã tổ chức 12 cuộc kiểm tra đối với 335 đối tượng (gồm: 17 tổ chức, 318 cá nhân) về chấp hành các quy định của pháp luật trong SXKD vật tư nông nghiệp, thuốc thú y thủy sản, thức ăn thủy sản, ATTP… Trong lĩnh vực ATTP, có 3 trường hợp sản xuất thực phẩm sử dụng phụ gia vượt giới hạn cho phép; 2 trường hợp sản xuất thực phẩm sử dụng chất phụ gia cấm trong chế biến thực phẩm; 1 cơ sở chế biến thực phẩm không trang bị bảo hộ lao động; 1 cơ sở khu vực sản xuất thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại; 1 cơ sở sản xuất ATTP thay đổi thành phần nguyên liệu cấu tạo sản phẩm nhưng không thực hiện công bố lại.

Còn theo thống kê của Sở Y tế, riêng trong Tháng hành động ATTP (ngày 15-4 đến 15-5), toàn tỉnh tổ chức 149 đoàn thanh, kiểm tra tổng cộng 3.749 cơ sở, có 655 cơ sở vi phạm. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra và chủ trì phối hợp với ngành chức năng kiểm tra hàng lậu, hàng giả, cơ sở sản xuất thực phẩm chay. Các vụ việc đang được xác minh làm rõ vi phạm về: chưa xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa; giả mạo nhãn hiệu; chưa xuất trình hồ sơ tự công bố sản phẩm, không có hóa đơn, chứng từ liên quan... Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản kiểm tra tại 9 cơ sở chế biến thực phẩm thuộc lĩnh vực nông - lâm sản, lập biên bản vi phạm hành chính tại chỗ đối với 2 cơ sở có hành vi vi phạm; ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

ATTP luôn là vấn đề nóng, đặc biệt khó kiểm soát hết khi cơ sở SXKD nhỏ lẻ chiếm đại đa số trên địa bàn tỉnh. Theo nhận định của ngành chức năng; việc quản lý đối với các cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện hạ tầng cơ sở, trang thiết bị dụng cụ chưa được chú trọng, còn lạc hậu, thô sơ. Mặt khác, việc coi trọng lợi nhuận đã tác động trực tiếp đến việc lựa chọn chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh còn hạn chế...

Một trong những giải pháp đang được tăng cường song song với công tác tuyên truyền là thanh, kiểm tra, kiểm soát thực phẩm. Các ngành chuyên môn tiếp tục kiến nghị có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, xử lý nghiêm và kịp thời đối với các hành vi vi phạm, thay vì kêu gọi sự “tử tế” từ người SXKD. Cùng với đó, người dân phải kiên quyết tẩy chay thực phẩm không an toàn để góp phần loại bỏ thực phẩm bẩn trên thị trường…

M.H