Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam diễn ra từ ngày 10/11 đến 10/12 hàng năm. Năm 2024, Việt Nam chọn chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. “Công bằng” có thể hiểu là dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế của họ, thay vì dựa vào khả năng tài chính, địa vị xã hội, hoặc các yếu tố khác. “Bình đẳng” là mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, tình trạng kinh tế hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác, đều có quyền sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà không bị phân biệt đối xử. Kết thúc dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn ca nhiễm mới hay ca tử vong do AIDS, mà AIDS không còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng (số ca nhiễm HIV mới dưới 1.000 ca/năm, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con dưới 2%)...
Để chạm vào mục tiêu, không phải đơn giản. Bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh đã khắc sâu vào tâm trí cộng đồng. Năm 2023, một địa phương trong tỉnh phát hiện đứa bé 10 tuổi nhiễm HIV, nguồn lây nghi vấn từ gia đình. Mấy hôm trước, lãnh đạo địa phương ngập ngừng trao đổi với tôi rằng, mọi chuyện rất nhạy cảm, rất khó, có thể ảnh hưởng sâu sắc đến đứa trẻ, nếu thông tin này lọt ra ngoài. Muốn quan tâm, hỗ trợ đứa bé, cán bộ xã đều phải thực hiện trong “âm thầm”. Sự ác ý của bà con xóm giềng, của xã hội có thể dìm cháu đến tận cùng bi kịch.
Tập huấn tư vấn xét nghiệm HIV
Ngoài ra, một rào cản lớn khác trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đang tồn tại ở Việt Nam. Nhóm thanh, thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và những người dễ bị tổn thương khác vẫn khó tiếp cận dịch vụ do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, hạn chế về tài chính. Ca nhiễm mới phát hiện tập trung vào nhóm trẻ từ 15 - 29 tuổi. Các bạn e ngại, sợ người quen, không thích đến cơ sở y tế công do bất cập nhiều vấn đề. Việc điều trị tại một số địa phương quá tải, do số lượng ca nhiễm mới tăng lên.
Điểm sáng là các chiến dịch truyền thông y tế tại địa phương ngày được chú trọng, tập trung nhóm trẻ tuổi. Tập huấn kỹ năng tiếp cận dịch vụ y tế, tư vấn xét nghiệm cho đồng đẳng viên, truyền thông trên mạng xã hội giúp mọi người hiểu hơn về bệnh lây qua đường tình dục, cách phòng ngừa bệnh, tư vấn xét nghiệm HIV; phòng tránh trước phơi nhiễm HIV… Điển hình như, giữa tháng 11/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn cho thành viên Cộng đồng LGBTQ+ An Giang, nhóm tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) về tư vấn xét nghiệm HIV.
“Cộng đồng LGBTQ+ An Giang ra đời tháng 9/2013, gồm 13 thành viên. Trong mọi hoạt động, chúng tôi thường lồng ghép chia sẻ kiến thức phòng, chống HIV/AIDS, cởi mở hơn về bệnh trong cộng đồng LGBT An Giang. Các thông điệp quan trọng về y tế dự phòng HIV, khuyến khích sử dụng PrEP để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống… được quan tâm rất cao. Ngoài tư vấn 24/24 chăm sóc sức khỏe cho các bạn LGBT, chúng tôi còn sẵn sàng tư vấn cho gia đình, nhà trường nơi các bạn sinh sống, học tập. Nếu không chủ động tìm hiểu thông tin, phòng tránh thì các bạn có thể trở thành nạn nhân của căn bệnh. Về phía mình, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự đồng hành tích cực của ngành chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành” - Trương Hoàng Bảo Ngọc (Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông và Phát triển cộng đồng YOUME, Trưởng nhóm Mạng lưới cộng đồng LGBTQ+ An Giang) bày tỏ.
Mỗi hành động phòng, chống HIV/AIDS đều rất quý, góp gió thành bão, “thổi bay” dịch bệnh. Tuy nhiên, xã hội cần sự vào cuộc, đồng hành nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, phải nâng cao nhận thức của người dân (nhất là nhóm thanh, thiếu niên, nam giới trẻ tuổi), giúp họ có lối sống lành mạnh, biết bảo vệ sức khỏe của bản thân, người thân và cộng đồng.
An Giang hiện có khoảng 7.700 người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng. Năm 2023, tỉnh ghi nhận 560 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính (hơn 80% nam giới, 78% lây nhiễm qua đường tình dục); đứng thứ 5 toàn quốc về số trường hợp mới phát hiện HIV (sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai). Tính đến ngày 28/5/2024, hơn 6.000 người nhiễm HIV tử vong. Theo địa bàn, số người nhiễm cao nhất là TP. Long Xuyên (18,6%), huyện Chợ Mới (15,2%), An Phú (12,3%), thấp nhất là huyện Tri Tôn (4,2%). |
VẠN LỘC