Công nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn mình ra biển lớn

04/01/2025 - 18:12

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp số Việt Nam đã chuyển từ lắp ráp, gia công sang xây dựng, phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Việt có giá trị cao, để lại dấu ấn sâu sắc trên bản đồ công nghệ thế giới.

Chiến lược Make in Vietnam bước đầu phát huy hiệu quả

Để thúc đẩy kinh tế số, từ năm 2019, Việt Nam đã khai sinh cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số với sứ mệnh "Make in Vietnam", nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam.

Chú thích ảnh

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo của VinBrain được triển khai thí điểm tại bệnh viện một số nước.

Slogan "Make in Vietnam" kể từ khi ra đời đã truyền tải định hướng của Chính phủ Việt Nam về sự chuyển dịch hướng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số. Chỉ trong vòng 5 năm, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, trong năm 2024, giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp thông tin và truyền thông (ICT) đạt khoảng 1,16 triệu tỷ đồng (hơn 45,5 tỷ USD).

Riêng doanh thu công nghệ thông tin (CNTT) đạt 248.000 tỷ đồng. Giá trị Việt Nam tạo ra trong doanh thu của các doanh nghiệp FDI là khoảng 486.000 tỷ đồng (19 tỷ USD). Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa phần cứng công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông trong năm 2024 ước đạt 132.000 tỷ đồng, chiếm 32% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu quốc gia.

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đã tăng mạnh từ khi phát động chiến lược "Make in Vietnam". Tỷ trọng này đạt 21,35% năm 2019 và hiện đạt khoảng 31,8%.

Thực hiện chiến lược "Make in Vietnam", các doanh nghiệp phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn, phát huy trí tuệ và khả năng giải quyết các bài toán lớn của đất nước, đồng thời vươn ra toàn cầu. Giá trị gia tăng tại Việt Nam vì thế cũng cao hơn so với việc chỉ đơn thuần gia công, lắp ráp. Chiến lược "Make in Vietnam" không chỉ là động lực giúp các doanh nghiệp công nghệ số trong nước phát triển mà còn là kim chỉ nam để vươn mình ra thị trường quốc tế.

Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Khởi nguồn từ gia công phần mềm, các doanh nghiệp Việt Nam đã dần chuyển mình, vươn tới những lĩnh vực sáng tạo và công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn. Những bước tiến này minh chứng rõ rệt cho thế mạnh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên trường quốc tế.

Ở mảng phần mềm và dịch vụ CNTT, các sản phẩm, dịch vụ "Make in Vietnam" đang góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Tạo việc làm, thu nhập cao

Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) với 20 doanh nghiệp IT Việt Nam đang hoạt động tại Nhật Bản, trong giai đoạn 2020 - 2024, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tăng từ 672 triệu USD lên 1,345 tỷ USD, gấp đôi, với tốc độ tăng trưởng từ 22 - 28%/năm. Tổng số lao động tăng thêm gần 8.000 người.

Đến cuối năm 2024, cả nước có hơn 27.600 doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tạo việc làm cho khoảng 1,26 triệu người. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam đạt 0,76/1.000 dân.

Trong đó, gồm 4.500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần cứng (thiết bị máy tính, điện tử viễn thông, thiết bị thông minh), 12.500 doanh nghiệp sản xuất phần mềm, 750 doanh nghiệp sản xuất nội dung số và 9.700 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT.

Về cơ cấu lao động, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần cứng chiếm dụng lao động cao nhất với hơn 900.000 người. Tiếp theo là các doanh nghiệp phần mềm, tạo việc làm cho hơn 224.000 lao động.

Theo TTXVN