Bộ Y tế Cuba ngày 18/3 (theo giờ địa phương) đã xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này.
Trường hợp trên là một du khách người Italy 61 tuổi. Người này đã được điều trị tại Viện Y học nhiệt đới Pedro Kouri ở ngoại ô thủ đô La Habana từ ngày 10/3 vừa qua.
Ngoài ra, Bộ Y tế Cuba cũng xác nhận thêm 3 trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 10 trường hợp, trong đó có 4 người nước ngoài.
Cùng ngày, Cuba đã hoàn thành chiến dịch nhân đạo tiếp nhận, sơ tán và hỗ trợ hồi hương hơn 1000 hành khách và thủy thủ đoàn của tàu biển du lịch MS Braemar của Anh, trong đó có 5 bệnh nhân dương tính với chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) và gần 50 khác đang phải cách ly do nghi nhiễm.
Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, sáng 18/3, tàu MS Braemar đã cập cảng nước sâu Mariel, nằm cách thủ đô La Habana 50 km về phía Tây, để bắt đầu quá trình sơ tán toàn bộ 682 hành khách và 381 thành viên thủy thủ đoàn.
Giám đốc Cơ quan Cảng vụ Cuba, Ramón Armando Castillo Carbonell khẳng định tiến trình tiếp nhận đảm bảo mọi quy trình về an ninh, cũng như các quy chuẩn y tế của WHO và Bộ Y tế Cuba.
Sau khi xuống cảng, hành khách và nhân viên tàu MS Graemar đã được chuyên chở đường bộ tới sân bay quốc tế José Martí tại thủ đô La Habana và tối cùng ngày, đã lần lượt được 4 chuyên cơ của hãng British Airways đưa về Anh, trong đó có 1 chuyên cơ dành riêng cho 5 bệnh nhân và những người bị nghi nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trước đó, tàu MS Braemar đã phải lênh đênh trên biển Caribe từ ngày 8/3 sau khi xác nhận kết quả có bệnh nhân COVID-19 và một số nước trong khu vực từ chối tiếp nhận.
Hôm 16/3, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez xác nhận đảo quốc Caribe này sẽ tiếp nhận chiếc tàu biển du lịch cỡ lớn trên theo đề nghị giúp đỡ của Chính phủ Anh.
Ông cho biết La Habana đưa ra quyết định này vì đây là một tình huống khẩn cấp y tế bao gồm rủi ro về sinh mạng con người.
Ngày 17/3, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab, trong bài phát biểu trước Quốc hội, đã gửi lời cảm ơn cử chỉ hào hiệp cũng như sự hợp tác chặt chẽ của Cuba trong chiến dịch nhân đạo này.
Là quốc gia có lực lượng nhân viên y tế hùng hậu và có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng ngừa và ứng phó các dịch bệnh truyền nhiễm, Chính phủ Cuba khẳng định đủ khả năng phòng ngừa và ứng phó COVID-19 mặc dù luôn đề cao tinh thần cảnh giác, và hiện tại đang cử các chuyên gia y tế hỗ trợ Venezuela và Nicaragua.
Khác với đa phần các nước trong khu vực Mỹ Latinh, tới nay Cuba vẫn chưa hạn chế nhập cảnh đối với hành khách đến từ bất kỳ quốc gia nào.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Santiago, Chile. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trong khi đó, tại Chile, Tổng thống Pinera đã ban bố tình trạng thảm họa trong 90 ngày nhằm tăng cường các nỗ lực của chính phủ chống đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại họp báo, Tổng thống Pinera nêu rõ hàng loạt biện pháp hạn chế sẽ có hiệu lực từ đêm 18/3, bao gồm các lệnh cấm tụ tập đông người để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Quân đội sẽ được huy động hỗ trợ lĩnh vực y tế công và đảm bảo trật tự, trong khi chính phủ đang cân nhắc việc hạn chế người dân đi lại.
Tổng thống Pinera cho biết việc ban bố tình trạng thảm họa sẽ tạo điều kiện cho sự phối hợp cần thiết giữa các lực lượng vũ trang với các nhân viên y tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Chile Lucas Palacios thông báo toàn bộ các trung tâm mua sắm trên toàn quốc sẽ đóng cửa từ ngày 18/3 để giảm thiểu sự lây nhiễm. Các siêu thị, cửa hàng dược phẩm, ngân hàng và các tiệm bán đồ gia dụng và vật liệu xây dựng sẽ vẫn mở cửa.
Trước đó, Chile đã đóng cửa biên giới, trường học và khuyến cáo người dân ở trong nhà nhằm tránh lây lan virus. Cho đến nay, Chile đã xác nhận tổng cộng 238 ca mắc COVID-19 tại nước này.
Cùng ngày, Ngân hàng trung ương Brazil đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 3,75% nhằm hỗ trợ kinh tế trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Trong thông báo, Ngân hàng trung ương Brazil nhấn mạnh bất chấp các gói kích thích của các nền kinh tế hàng đầu, các thị trường mới nổi đều đang gặp khó khăn do dịch bệnh.
Đây là lần thứ 6 liên tiếp Brazil hạ lãi suất. Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất xuống gần bằng 0 vào cuối tuần qua. Ngày 16/3, Brazil cũng đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 147 tỷ real (gần 30 tỷ USD), song động thái này vẫn không trấn an được các thị trường.
Chốt phiên giao dịch ngày 18/3, chỉ số sàn chứng khoán Sao Paulo đã giảm 10,35%, trong khi đồng nội tệ real đã giảm 4% giá trị xuống mức thấp kỷ lục là 5,2 real đổi được 1 USD.
Tại Sao Paulo, thành phố lớn nhất của Brazil, chính quyền đã thông báo đóng cửa toàn bộ các trung tâm mua sắm và các phòng tập cho đến cuối tháng 4 này để kiểm soát dịch bệnh.
Thống đốc bang Sao Paulo Joao Doria nêu rõ biện pháp mới sẽ áp dụng với thành phố Sao Paulo và 38 cộng đồng xung quanh. Các doanh nghiệp sẽ có vài ngày để lên kế hoạch chuẩn bị cho việc tạm đóng cửa trong 1 tháng bắt đầu từ tuần tới.
Bên cạnh đó, Chính phủ Brazil cũng thông báo thêm hàng loạt biện pháp kinh tế như cấp khoản vay trị giá 100 triệu USD cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch, thương mai và kinh tế sáng tạo.
Sao Paulo, thành phố đông dân nhất của Brazil, chiếm một nửa trong tổng số 291 ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này tính đến ngày 17/3.
Cho đến nay, Sao Paulo và Rio de Janeiro là hai bang duy nhất ghi nhận ca lây nhiễm chéo trong cộng đồng, trong khi phần lớn các khu vực của Brazil đều đã xác nhận có trường hợp nhiễm.
Theo thông tin mới nhất, Chủ tịch Thượng viện Brazil Davi Alcolumbre, Bộ trưởng Khai thác mỏ và Năng lượng Bento Albuquerque, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Augusto Heleno đã được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2.
Như vậy, cho tới nay, đã có 17 thành viên trong nội các từng tháp tùng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong chuyến thăm Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump vào đầu tháng này đã mắc COVID-19. Tổng thống Bolsonaro và người đồng cấp Trump đều âm tính với virus.
Theo TTXVN