Một độc giả gửi tâm sự cho báo VietNamNet kể rằng, từ một ông chủ nhà hàng dê núi, mỗi ngày doanh thu lên tới chục triệu đồng, chỉ sau vài tháng dịch bệnh, anh đã trở thành một “cửu vạn” đúng nghĩa. Hiện tại, anh sống trong căn phòng trọ 10m2, mỗi ngày cố kiếm vài trăm nghìn đồng để ... tồn tại.
Một cô giáo mầm non, như mọi giáo viên khác, thất nghiệp gần một năm nay, hằng ngày kiên trì rao bán những món ăn vặt tự làm trên Facebook cá nhân, kiếm tiền duy trì cuộc sống trước khi trường học mở cửa trở lại. Đồng nghiệp của cô thì nhận trông vài đứa trẻ tại nhà.
Một nam hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội, trước kia thu nhập không dưới 20 triệu đồng/tháng, phải ở nhà trông con cho vợ đi làm cũng đã gần 1 năm. Chưa kể, năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, thu nhập của anh cũng chẳng đáng kể.
Còn hàng triệu con người, gia đình khác may mắn hơn - vẫn còn giữ được việc làm nhưng số ngày làm việc, lương thưởng bị cắt giảm.
Covid-19 làm thay đổi cuộc sống của gần như tất cả mọi người, mọi ngành nghề, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới - hầu hết, theo chiều hướng tiêu cực.
238,459 triệu người trên thế giới dương tính với Covid-19, trong đó có 4,26 triệu người tử vong, tính đến ngày 27/12. Tức là cứ 100 người dân trên thế giới thì có hơn 3 người mắc bệnh. Ở Việt Nam, con số này là 1,67/100 người. Tính trung bình, cả ở Việt Nam và trên thế giới, cứ 100 người mắc bệnh thì có gần 2 người chết.
Covid-19 làm thay đổi cuộc sống của gần như tất cả mọi người, mọi ngành nghề, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới - hầu hết, theo chiều hướng tiêu cực. Ảnh minh hoạ: Politico
Những con số khiến cả thế giới hoảng sợ, bất an. Theo nghiên cứu phân tích dữ liệu từ ngày 19/8/2020 đến ngày 1/2/22021 ở 790.633 người từ 18 tuổi trở lên do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố, các triệu chứng lo lắng và trầm cảm trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã tăng từ 36,4% lên 41,5%.
Các chuyên gia tâm lý xác nhận rằng, Covid-19 là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người, khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn “tress” sau sang chấn. Đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương bao gồm người già, phụ nữ, trẻ em, người lâm vào hoàn cảnh khó khăn do Covid-19…
Là lúc con người cưu mang nhau
Giãn cách xã hội, sự đình trệ của các cơ quan, doanh nghiệp khiến vấn đề tài chính đè nặng lên mỗi gia đình, mỗi người trưởng thành.
Hàng nghìn người lao động từ các thành phố lớn kéo nhau về quê, tìm kiếm một nơi trú ẩn. Họ sợ dịch bệnh một phần, nhưng quan trọng hơn, họ tìm về một nơi họ cho là an toàn và không thể chết đói dù túi tiền đã cạn. Bởi vì ở đó có những người thân, có tình làng nghĩa xóm, có cả một cộng đồng sẽ dang tay ra với họ.
Chính lúc này, bản tính thiện lương, sẻ chia của con người giúp chúng ta vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Những ổ bánh mỳ, chai nước suối, chai xăng… được phát tặng dọc đường quốc lộ là cách con người sẻ chia với nhau trong lúc hoạn nạn.
Những bịch gạo, lọ mắm, gói đường được trao đi không vụ lợi trên khắp các con phố. Lúc này, người già người trẻ, người xa người gần không còn quan trọng. Quan trọng là làm thế nào để họ sống được trong những ngày sắp tới.
Bản tính thiện lương, sẻ chia của con người giúp chúng ta vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Ảnh: The Guardian
Một nhóm thợ xây ngoại tỉnh trú tạm trong những căn biệt thự đang xây dở dang, loay hoay với những bữa ăn hằng ngày trong khi việc làm không có. Cạnh đó là toà chung cư vài chục tầng với đa số cư dân là những người may mắn hơn. Bỏ qua việc nhóm công nhân có được phép ở lại trong khu vực thời điểm đó hay không, các cư dân đã tự bảo nhau, gom góp lương thực để chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.
Những nhân viên công sở không thể tìm được người trông con, hay không đủ tài chính để thuê người trợ giúp, phải đưa những đứa trẻ về quê nhờ ông bà đùm bọc. Có gia đình chủ động đưa con trẻ về quê để được đến trường đi học.
Những người may mắn được làm việc tại nhà thì ôm đồm một lúc cả việc nhà việc công ty. Cuộc sống của tất cả mọi người bị xáo trộn. Những nhóm chợ online trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bà nội trợ thành thị. Thay vì chạy xe ra chợ chọn từng miếng thịt, con cá, bây giờ người ta đi chợ bằng điện thoại, Facebook. Những đứa trẻ lâu không được ra ngoài chạy nhảy, những người lớn lâu không được giao lưu, tụ tập.
Từ người lớn tới trẻ nhỏ đều phải thích nghi với cuộc sống mới. Bí bách và ngột ngạt hơn. Nhưng trên hết, ai cũng hiểu rằng, đến giờ này, nếu vẫn còn ngồi đây, dù là để vật lộn với cuộc mưu sinh khắc nghiệt phía trước, thì chúng ta vẫn may mắn hơn hàng triệu người khác trên thế giới này.
Doanh nghiệp thích nghi để tồn tại
Trong guồng quay thay đổi và thích nghi đó, doanh nghiệp là những người phải đối mặt với thách thức nhiều hơn cả. Nhưng ngay lập tức, rất nhiều doanh nghiệp đã biến thách thức thành cơ hội để tồn tại và phát triển.
Các doanh nghiệp bán lẻ chuyển đổi số sang mô hình bán hàng trực tuyến qua website, zalo, đường dây nóng.
Covid-19 buộc chúng ta phải thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm, nhưng cũng từ đó mà chúng ta nhận ra sự tiện lợi của nó. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, khai thác các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng.
Các tiệm tạp hoá công nghệ cũng là một ví dụ khác về sự thích nghi của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch. Những tiệm tạp hoá truyền thống lâu nay bị đóng đinh với hình thức giao dịch trực tiếp thì giờ đây đã có thể đặt hàng, đổ sỉ chỉ bằng một nút bấm trên điện thoại thông minh. Xu hướng online hoá trong đại dịch Covid-19 đang được đánh giá là mang lại nhiều lợi thế và cạnh tranh hơn so với bán hàng truyền thống. Thậm chí, nó có thể lan toả rộng khắp về các vùng nông thôn do dòng người dịch chuyển về quê sau đại dịch.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu cà phê của chàng trai 9X Vũ Việt Đức cũng là một điển hình trong việc thích ứng nhanh với thách thức.
Trước thời điểm dịch bùng phát (năm 2020), thương hiệu cà phê này thuần túy tập trung bán hàng trực tiếp, sản xuất phân phối đến các quán, chuỗi quán cà phê qua đội ngũ nhân viên bán hàng.
Nhưng từ khi dịch bùng phát, doanh nghiệp phải chuyển hướng, lấn sân vào bán lẻ trực tiếp qua sàn thương mại điện tử. Ông chủ 9X cho biết, nếu Covid-19 không ập đến thì doanh nghiệp chưa có khái niệm về chuyển đổi số. Nhưng sau 1 năm chuyển đổi, thương hiệu đang có các sản phẩm lọt top bán chạy nhất ngành cà phê rang xay trên sàn thương mại điện tử.“Trong nguy có cơ” là kết luận được chủ doanh nghiệp này đúc rút ra.
Tuy vậy, có những ý kiến đề xuất rằng, nên nhanh chóng quay trở lại hoạt động kinh doanh như thường lệ sau khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ. Thế nhưng, nếu nhìn sang trường hợp của Vương quốc Anh. Ngay cả sau “Ngày Tự do”, nhiều công ty ở Anh vẫn tiếp tục hình thức làm việc tại nhà để giảm chi phí văn phòng, cải thiện sự cân bằng trong công việc.
An toàn - Tỉnh táo - Tử tế
Quay trở lại câu chuyện nhỏ của ông chủ nhà hàng được nhắc đến ở đầu bài viết, sau những buồn tủi, tuyệt vọng khi nghĩ về tương lai, anh đã tự gượng dậy kiếm cho mình một công việc để sống qua cơn bĩ cực. Anh buộc phải làm cửu vạn để kiếm sống qua ngày. Từ một người chỉ quen lao động trí óc, bây giờ anh phải đi bốc hàng, chuyển nhà, dọn kho, xúc cát thuê…
Trước đây, mỗi ngày doanh thu của nhà hàng lên tới chục triệu cũng không làm anh vui bằng những cuộc gọi nhận việc bây giờ. Anh cảm thấy sung sướng khi trong hàng trăm nghìn người hành nghề cửu vạn, may mắn lại đến với mình. Bởi vì, số tiền vài trăm nghìn kiếm được mỗi ngày bây giờ giúp anh sống tiếp theo đúng nghĩa đen.
Viễn cảnh về quê Tết này từng khiến anh cảm thấy sợ hãi khi phải đối mặt với bố mẹ, người thân - những người đặt vào anh rất nhiều kỳ vọng và sự tự hào. Anh sợ phải nói dối, sợ chứng kiến sự thất vọng của họ.
Nhưng rồi anh bảo, có một thứ giúp anh vượt qua nỗi sợ ấy, đó là tình yêu thương của gia đình. Đó cũng chính là động lực giúp anh mỗi ngày bước ra khỏi cửa, hít thật sâu, cố gắng làm việc. Anh có niềm tin và hi vọng về ngày mai, vì bây giờ anh sống không chỉ cho riêng mình nữa.
Trong những tháng đầu tiên khi đại dịch xuất hiện vào năm 2020, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã từng đưa ra khẩu hiệu gồm 3 từ: “Be Safe, Be Smart, Be Kind” (Hãy an toàn, Hãy tỉnh táo, Hãy tử tế). An toàn để tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm. Tỉnh táo để thu nạp những kiến thức đúng. Tử tế để hỗ trợ và giúp đỡ người khác.
Có lẽ khẩu hiệu ấy vẫn còn đúng cho đến tận thời điểm này – sau khi đã có 4,26 triệu người tử vong, gần 7 tỷ liều vắc-xin được tiêm trên toàn cầu và chúng ta vẫn đang từng ngày chiến đấu với dịch bệnh diễn tiến ngày một phức tạp hơn. Nhưng sau 2 năm, chắc chắn con người đã có một thứ “vắc-xin” đặc biệt, đó là sự thay đổi để thích nghi – đặc tính cố hữu của loài người để phát triển.
Theo NGUYỄN THẢO (Vietnamnet)