Hơn 3 năm nay, chị Nguyễn Mỹ Duyên, ngụ phường Long Xuyên sử dụng túi vải để đi chợ. “Một số người thấy tôi sử dụng túi vải cho rằng hành động của tôi như muối bỏ bể. Tôi nghĩ mỗi người cứ làm tốt vai trò của bản thân, lâu dần lan tỏa đến người khác, chuyển biến có thể chậm nhưng tốt hơn nếu không có ai hành động”, chị Duyên nói. Dù đang chiếm thiểu số nhưng trong cộng đồng vẫn có những người như chị Duyên đang xây dựng lối “sống xanh” qua mỗi buổi đi chợ, đi làm, vào trung tâm mua sắm… bằng hành động thực tế.
Ở xã Bình Thạnh Đông (trước đây là xã Hiệp Xương) từng có phong trào đi chợ không sử dụng túi nylon. Hình ảnh các sạp hàng xanh mướt rau, củ, thực phẩm gói bằng lá chuối, lá lục bình sạch sẽ khiến ai thấy cũng thích thú. Các bà, các chị đi chợ xách giỏ nhựa lớn đựng thực phẩm thay cho nhiều bọc nylon lỉnh kỉnh. Thực phẩm được chế biến (bún, cơm, mì...) thì đựng trong cà mên, hộp silicon. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã còn vận động các chị phân loại rác thải, sử dụng men sinh học ủ các loại phế phẩm tạo phân bón cho cây trồng.

Tái chế rác thải góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường
Nhiều xã còn thực hiện mô hình phân loại rác thải để gây quỹ. Các loại vỏ chai nước ngọt, bia, đồ nhựa được thu gom để bán, tích thành số tiền lớn mua bảo hiểm y tế ủng hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Với túi nylon, nếu bắt buộc phải sử dụng, các chị giặt sạch, tái sử dụng để tăng vòng đời trước khi bỏ ra môi trường. Xã Phú An còn có thanh niên Lê Văn Sơn khởi nghiệp từ ý tưởng sử dụng nylon đan thành túi xách, sáng tạo rác thải nhựa thành tranh trang trí, chậu hoa, vừa có thêm thu nhập vừa góp phần bảo vệ môi trường.
2 năm trước, học theo cách làm của “Sài Gòn Xanh”, nhóm bạn trẻ ở nhiều xã trong tỉnh thành lập nhóm “An Giang Xanh”, điều phối tổ chức bởi anh Trần Vũ Luân. Việc thiết thực nhưng không dễ duy trì vì một số bạn chỉ tham gia mang tính phong trào thời gian đầu rồi chán, hành trình và điểm đến không vừa sức, những nơi dọn rác xong chỉ vài hôm tái ô nhiễm, hoạt động thiếu kinh phí... Nhóm tan rã trong nuối tiếc của nhiều bạn trẻ và mong sớm có tổ chức mới ra đời, kết nối bài bản trong cách làm, có giải pháp tuyên truyền tích cực để người dân chung tay giữ gìn thành quả chung.

Đi chợ không sử dụng túi nylon từng là phong trào được nhiều người hưởng ứng
Mô hình và cách làm hay của cá nhân, tổ chức, địa phương không thiếu nhưng qua năm tháng, nhiều mô hình, phong trào không còn duy trì. “Hành động không khó, chỉ cần thay đổi từ những thói quen nhỏ hàng ngày. Khó ở chỗ, muốn duy trì để trở thành thói quen thường nhật trong thời gian dài cần nhiều người đồng hành cùng nhau. Người này nhắc người khác, động viên tinh thần, khích lệ nhau, khoe những việc làm được nhằm tăng sức ảnh hưởng cho cộng đồng. Khi mình thấy người khác làm tốt thì mình ngại hành động tùy tiện và ngày càng làm tốt hơn”, chị Đỗ Thúy Vi, ngụ xã Bình Thạnh Đông nói.
Ông Nguyễn Văn Toản, ngụ phường Mỹ Thới bày tỏ: “Trong môi trường chung nếu chỉ riêng mình làm tốt mà mọi người không quan tâm sẽ dễ nản. Nhiều người cho rằng việc phân loại rác trong khu tập thể xong thì rác vẫn tập kết vào xe thu gom nên cứ để thoải mái, không quan tâm… Từ tuyên truyền, vận động đến áp dụng quy định, chế tài… tuy khó nhưng chúng tôi tin sẽ làm được và trở thành thói quen trong cuộc sống”.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH