Người dân xung quanh gọi ông là Bảy Hớn. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề nông, do vậy ông luôn thấu hiểu sự cùng cực của người nghèo khi bị ốm đau, bệnh tật.
Chính vì vậy trong tâm trí của mình, ông Bảy Hớn luôn có một ước mơ lớn nhất là được làm công việc từ thiện, được nghiên cứu, sưu tầm những loại thuốc hay để chữa bệnh cho người nghèo, vì sức khỏe của nhân dân.
Với tâm huyết của mình, hơn 40 năm nghiên cứu, sưu tầm các loại thuốc nam, dấu chân ông đã trải đều khắp mọi nơi. Và tất nhiên, mỗi khi nhắc đến tên ông người ta thường gắn với tên gọi thân thương: “Thầy thuốc của người nghèo”.
Theo ông Bảy Hớn, những việc làm của ông xuất phát từ cái tâm, mà theo ông đó là “cái duyên”, “cái nghiệp” của một người thầy thuốc và việc sưu tầm nhiều dược liệu quý chỉ để cứu giúp thêm nhiều người nghèo, chữa trị cho họ hết bệnh. Đây không chỉ là niềm vui, mà còn là hạnh phúc lớn lao đối với ông.
Tuy tuổi cao nhưng ông Bảy Hớn vẫn miệt mài cùng công việc
Từ khi bắt tay vào công việc sưu tầm thuốc nam, ông đã cất công sưu tầm được rất nhiều loại thảo dược quý có giá trị, góp phần cung cấp nguồn dược liệu giúp các phòng khám đông y duy trì hoạt động. Đồng thời, ông Bảy Hớn còn hướng dẫn người dân nhận biết công dụng của từng loại dược liệu, không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn góp phần đa dạng hóa nguồn thuốc nam chữa bệnh cho nhân dân.
Nói về công việc đầy ý nghĩa của mình, ông Bảy Hớn chia sẻ: “Tôi cũng không biết công việc mình làm được bao lâu rồi, chỉ nhớ bắt đầu từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lúc bấy giờ, thấy nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, người có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng chữa bệnh ở bệnh viện mà tìm các vị thuốc nam chữa trị, nên tôi quyết định đi sưu tầm để giúp họ. Ban đầu mang thuốc về và chặt bằng tay, dần dần có đông người đến lấy nên tôi thành lập luôn tổ tại nhà để có thêm người tiếp sức. Sau thời gian, nhu cầu về thuốc ngày càng nhiều nên mọi người đã chung tay giúp đỡ để có được máy cắt thuốc, góp phần phục vụ người dân nhanh chóng hơn”.
“Địa phương mà có được tổ sưu tầm thuốc nam như chú Bảy Hớn là rất tốt để phục vụ mọi người trong việc chữa bệnh… Chú Bảy Hớn gần như không còn sức lao động nữa nhưng chú vẫn cố gắng làm tất cả để phục vụ nhân dân và xã hội, nhất là những người nghèo. Chú Bảy Hớn không chỉ cung cấp thuốc cho Hội Đông y phường mà còn cho nhiều phòng thuốc khác do chú tìm kiếm được. Đây là điều rất đáng trân quý” - Chủ tịch Hội Đông y phường Mỹ Quý Trần Tứ Hải thông tin.
Thấu hiểu được việc làm nhân văn, ý nghĩa của cha mình, hiện 4 người con của ông Bảy Hớn quyết định nối nghiệp cha. Hàng ngày, bên cạnh việc lo cho cuộc sống riêng, những lúc rảnh rỗi các con của ông cùng với ông đi sưu tầm dược liệu.
Chú Trần Văn Sơn (con trai thứ 2 của ông Bảy Hớn) cho biết: “Thấy cha có lòng hướng thiện, bổn phận làm con phải noi gương. Tuy đi làm thuê, mướn nhưng mỗi khi rảnh rỗi thì về phụ tiếp gia đình, nhằm giúp đỡ cho những người dân nghèo khổ vùng sâu, vùng xa không có điều kiện chữa bệnh tây y mà có thuốc đông y cũng đỡ ra…”.
“Hiện nay, sức khỏe tôi không còn đảm bảo để đi lấy thuốc nữa nên phải ở nhà trông coi phơi thuốc, rồi vô bao để đó, ai cần thì đến lấy. Còn tổ sưu tầm khoảng 10 người có sức khỏe đi tìm kiếm các vị thuốc mang về đây, cùng góp sức phục vụ người nghèo. Để có thể phục vụ lâu dài cho việc sưu tầm thuốc, thời gian tới cần có thêm nhiều người trong xã hội cùng chung tay tiếp sức. Mọi người trong tổ đa phần còn nhiều việc gia đình và tuổi tác cũng không còn trẻ để duy trì như trước đây. Mong muốn lớn nhất là tôi luôn có sức khỏe tốt để phục vụ cho địa phương, mọi người” - ông Bảy Hớn chia sẻ.
Một con người chân chất cùng tấm lòng nhân hậu, luôn sống đẹp, sống vì mọi người, giúp ông Bảy Hớn tỏa sáng trong lòng mỗi người dân. Mong sao, ông Bảy Hớn luôn có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho xã hội, lan tỏa những công việc tốt đẹp, cũng như nhận được nhiều hơn nữa sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng, góp phần giúp đỡ và phục vụ nhân dân, người bệnh tốt hơn.
Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG