Cục CSGT: Không bắt buộc xe máy, ô tô cá nhân lắp camera giám sát hành trình
29/11/2023 - 19:13
Theo Cục CSGT, nhiều người đang hiểu không đúng về dự thảo luật yêu cầu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
AA
Chiều 29/11, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) khẳng định, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy và ô tô cá nhân lắp thiết bị giám sát hành trình.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, tại Điều 33 của dự thảo Luật nêu: "Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập hình ảnh, dữ liệu người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định".
"Nhiều người đang hiểu cụm từ xe máy chuyên dùng là xe mô tô, xe gắn máy của cá nhân. Tuy nhiên, đây là cách hiểu không đúng, xe máy chuyên dùng được nhắc đến trong dự thảo là xe máy thi công; xe máy thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt...", Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh lý giải.
Thông tin thêm về nội dung trong dự thảo luật quy định định: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được định nghĩa gồm xe ô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự kể cả phương tiện giao thông thông minh… trong khi đó, Điều 33 của dự luật cũng yêu cầu phương tiện này pháp đáp ứng điều kiện phải có thiết bị giám sát hành trình, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh cho biết cơ quan soạn thảo sẽ có những tiếp thu, chỉnh sửa.
Cụ thể, căn cứ theo khoản 4, Điều 33, Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn theo hướng: áp dụng bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình đối với một số loại hình phương tiện như xe kinh doanh vận tải, xe hợp đồng, xe ô tô đưa đón học sinh, xe quá khổ giới hạn của đường bộ, xe quá tải trọng, xe vận chuyển hàng nguy hiểm...
Đối với mô tô, xe gắn máy và xe ô tô cá nhân không bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Phó Cục trưởng Cục CSGT cũng cho biết, dự thảo Luật khuyến khích lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô cá nhân. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tham gia giao thông đường bộ và tăng cường sự quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.
"Lắp thiết bị này nhằm hỗ trợ cho việc lái xe an toàn cũng như tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông, ghi lại hình ảnh, sự cố xảy ra trên đường.
Thêm vào đó, người điều khiển phương tiện có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ xảy ra trên đường, lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại phương tiện của mình hoặc của người khác. Đồng thời, cung cấp cho cơ quan chức năng để xử lý, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của lái xe và người khác", Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.
Đối với xe kinh doanh vận tải, nhất là vận tải hành khách, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh cho rằng cần được xem là chủ thể đặc biệt trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vì nếu xảy ra tai nạn sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về sinh mạng của người dân.
Vị Phó Cục trưởng Cục CSGT dẫn chứng, thống kê của Bộ Công an, tai nạn giao thông liên quan xe kinh doanh vận tải chiếm gần 40% số vụ. Trong đó, nhiều vụ tai nạn liên quan xe kinh doanh vận tải hành khách gây thương vong lớn.
Như vụ tai nạn xe khách ngày 30/9, tại Đồng Nai làm chết 4 người, bị thương 5 người. Sau đó, ngày 31/10, tại Lạng Sơn, vụ tai nạn xe khách làm chết 5 người, bị thương 9 người.
"Chúng ta không thể thờ ơ, vô cảm trước thực trạng các vụ tai nạn giao thông hết sức thương tâm này", Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.
Theo Thiếu tướng Minh, nhằm giảm thiểu tai nạn liên quan đến các phương tiện này, cơ quan chức năng đã yêu cầu bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình để giám sát các hành vi vi phạm của lái xe, của hành khách và các vi phạm về vận tải đường bộ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là dữ liệu giám sát hành trình chưa được sử dụng hiệu quả do có sự chia cắt, không kết nối liên thông dữ liệu với lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Vì vậy, nhiều nhà xe trong thời gian ngắn vi phạm rất nhiều lần, có trường hợp vi phạm tốc độ hơn 300 lần/tháng nhưng không bị xử lý, ngăn chặn kịp thời.
"Nếu có sự giám sát phương tiện kinh doanh vận tải theo thời gian thực, chúng tôi cho rằng đã có thể ngăn chặn được, không để xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe khách như vừa qua. Do đó, tôi thống nhất cao về sự cần thiết quy định phương tiện kinh doanh vận tải phải bảo đảm điều kiện có thiết bị giám sát hành trình trong dự thảo Luật", Thiếu tướng Minh nói và cho biết việc giám sát này giao cơ quan thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông để kịp thời đình chỉ, xử lý ngay những trường hợp vi phạm xảy ra.
Theo MINH TUỆ (VTC News)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: