Cung ứng vốn thúc đẩy phát triển kinh tế

12/02/2025 - 06:41

 - Năm 2025, ngành ngân hàng An Giang đặt mục tiêu tiếp tục cung ứng đầy đủ nguồn vốn tín dụng hợp lý cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN); phát huy vai trò tích cực trong thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng, đi đôi với chất lượng tín dụng, an toàn, hiệu quả vốn vay. Hướng nguồn vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh (SXKD), lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, phù hợp với định hướng của ngành, nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Cùng với đó, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng, hạn chế “tín dụng đen”. Các tổ chức tín dụng triển khai chương trình, đề án, chính sách tín dụng, kết nối ngân hàng – DN.

Xác định đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đóng góp quan trọng hỗ trợ nền kinh tế, DN và người dân, ngành ngân hàng đã triển khai đồng bộ giải pháp, chính sách về tín dụng, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho hoạt động SXKD, tiêu dùng. Từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 ấn tượng, đạt 7,16%. Trong giai đoạn phục hồi, vốn tín dụng ngân hàng đóng vai trò “trợ lực”, “tiếp sức” cho DN, người dân. Khơi thông nguồn vốn ra thị trường là trúng và đúng trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Dư nợ tín dụng tăng trưởng trở lại cho thấy sự phục hồi của hoạt động SXKD.

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, tổng dư huy động vốn đến cuối năm 2024 đạt 74.414 tỷ đồng, tăng 7,29% so cuối năm 2023. Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 12%, dư nợ tín dụng 126.026 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng An Giang đã hỗ trợ nền kinh tế tập trung vào các ngành, lĩnh vực kinh tế có thế mạnh của tỉnh, như: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (36.813 tỷ đồng); ngành công nghiệp và xây dựng (11.517 tỷ đồng); hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông (56.589 tỷ đồng); các hoạt động dịch vụ khác (20.260 tỷ đồng).

Điển hình như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh. Chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đơn vị luôn dành 75 - 85% tổng dư nợ ưu tiên cho lĩnh vực tam nông. Giám đốc Agribank An Giang Trần Văn Soul cho biết, năm 2024, đơn vị huy động trên 12.796 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng 19.061 tỷ đồng (đứng đầu tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh), trong đó lĩnh vực tam nông chiếm 80% dư nợ cho vay (15.249 tỷ đồng). Năm 2025, Agribank An Giang duy trì tăng trưởng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; triển khai chính sách hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần tạo việc làm, phục vụ SXKD, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang Trần Thế Loan cho biết, năm 2024, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đạt 5.545 tỷ đồng, tăng 11,1% so đầu năm; bình quân 1 hộ có dư nợ 37,03 triệu đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm duy trì, mở rộng việc làm 260 tỷ đồng, xuất khẩu lao động 38 tỷ đồng... Năm 2025, đơn vị tập trung huy động nguồn lực, triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm trên 12%.

Nhiều năm qua, dòng vốn tín dụng đầu tư kịp thời, cũng như các chính sách giãn, hoãn nợ của tổ chức tín dụng giúp DN nắm bắt được cơ hội đầu tư, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhiều DN đang đứng trên bờ vực phá sản, nhưng nhờ nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, đã phục hồi, sản xuất ổn định. Từ đó, giúp tỉnh hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực, như thủy sản, trái cây, rau màu, lúa, nếp, gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2024 đạt 1,2 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 47.890 tỷ đồng, tăng 21,9%; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng được triển khai hiệu quả.

Năm 2025, hệ thống ngân hàng sẵn sàng cung ứng đầy đủ nguồn vốn, hỗ trợ phát triển kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho DN; tích cực khơi thông dòng vốn, thúc đẩy SXKD, chung tay xây dựng nền kinh tế địa phương phát triển bền vững. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp tăng cường công tác tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng; thực hiện chương trình, chính sách tín dụng, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế… Trong đó, nguồn vốn tín dụng ưu tiên cho SXKD, trong lĩnh vực ưu tiên, như: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa.

HẠNH CHÂU