Cuộc đua toàn cầu đến 'lục địa thứ bảy'

18/08/2023 - 09:10

Nga và Ấn Độ đang cạnh tranh để trở thành những người đầu tiên đến được cực nam của Mặt Trăng trong khi Mỹ chuẩn bị cho một sứ mệnh phi hành đoàn đổ bộ xuống nơi này vào năm 2025.

Các cường quốc không gian đang tranh giành nguồn "vàng mới" ở cực nam Mặt trăng. Ảnh: iStock

Mặt trăng sẽ là "lục địa thứ bảy" của Trái đất, là lục địa duy nhất sở hữu nguồn tài nguyên chưa bị chinh phục và khai thác. Ý tưởng này, được hình thành từ hơn nửa thế kỷ trước ở Liên Xô, đã được hồi sinh với sự xuất hiện sắp tới của các sứ mệnh đầu tiên tới cực nam Mặt Trăng. Tại đây, các cường quốc không gian sẽ tranh giành nguồn "vàng mới", đó là nước.

Nga trở lại Mặt Trăng sau gần 50 năm

Nga đã thông báo rằng, Luna-25, tàu thăm dò đầu tiên mà nước này gửi lên Mặt Trăng sau 47 năm (kể từ sứ mạng Luna-24 năm 1976), sẽ hạ cánh trong khoảng thời gian từ ngày 21 đến 24/8 tới đây. Tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ sẽ hạ cánh trên Mặt trăng vào ngày 23 hoặc 24/8. Người chiến thắng sẽ chỉ đến Mặt Trăng trước đối thủ vài ngày, thậm chí vài giờ.

“Chúng tôi sẽ đợi đến ngày 21”, ông Yuri Borisov, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga, cho biết trong một tuyên bố được Reuters dẫn lại. Việc hạ cánh ở cực Mặt Trăng sẽ hoàn toàn tự động và phụ thuộc rất nhiều vào việc đầu dò có tới được vùng xác định trước, vốn không bằng phẳng hay không. “Tôi hy vọng rằng một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng có độ chính xác cao trên Mặt Trăng sẽ diễn ra. Chúng tôi hy vọng sẽ là người đầu tiên", ông Borisov nói thêm.

Lợi thế chính của Nga là tàu vũ trụ của họ có thể trụ lại ở cực nam Mặt Trăng trong một năm hoặc hơn. Tàu thăm dò sẽ ở lại cố định tại điểm hạ cánh, phía bắc miệng núi lửa Boguslavsky, có đường kính 97 km. Đây là nơi có xác suất cao tìm thấy nước.

Tên lửa Soyuz mang theo trạm Mặt Trăng đầu tiên của Nga trong gần 50 năm, Luna-25, phóng thành công hôm 11/8. Ảnh: Sputnik

“Nếu có nước đóng băng ở tầng trên của bề mặt Mặt Trăng gần điểm hạ cánh, các thiết bị khoa học trên tàu Luna-25 sẽ có thể phát hiện ra nó”, bà Olga Zakutniaya, phát ngôn viên Viện Nghiên cứu Vũ trụ Nga (IKI), cho biết.

“Tuy nhiên, ngay cả các vùng cực của Mặt Trăng cũng là một nơi rất khô so với Trái đất. Công cụ LEND của Nga trên tàu thăm dò quỹ đạo LRO của NASA đã chỉ ra rằng hàm lượng nước ở lớp trên của bề mặt Mặt Trăng, trong độ sâu một mét, và tại những vùng giàu nước nhất cũng không vượt quá 5% trọng lượng. Hàm lượng nước trung bình thấp và các khu vực có nhiều nước nhất lại được phân bổ không đều. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho tương lai khi loài người phải tìm cách khai thác nguồn nước đó để tạo ra hydro làm nhiên liệu, oxy để thở và nước uống được.

Nếu Luna-25 hạ cánh thành công, các thí nghiệm sẽ bắt đầu ngay lập tức, nhưng kết quả sẽ mất từ ​​​​4-6 tháng. Bà Zakutniaya giải thích, con tàu phải "ngủ đông" trong những đêm lạnh giá, mỗi đêm kéo dài trong hơn 14 ngày đêm Trái đất. Những kết quả thí nghiệm sẽ cung cấp một thông tin quan trọng khác. Người phát ngôn của IKI cho biết: “Bụi Mặt Trăng cực kỳ có hại cho cả tàu thăm dò robot và các phi hành gia trong tương lai, vì vậy với dữ liệu từ sứ mệnh này, chúng tôi sẽ phát triển các kế hoạch để chống lại ảnh hưởng của nó”.

Nga có kế hoạch gửi các sứ mệnh robot liên tiếp đến cực nam của Mặt Trăng để đặt nền móng cho sự xuất hiện của các phi hành gia. Tuy nhiên dự án này vẫn chưa được chính phủ phê duyệt.

"Người chơi mới" Ấn Độ

Dàn phóng tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Cuộc đua đến cực nam Mặt Trăng là trận chiến giữa "tí hon và người khổng lồ", trong đó rõ ràng Ấn Độ là người thua cuộc. Tàu thăm dò Chandrayaan-3 của Ấn Độ mang theo ít dụng cụ khoa học hơn và sẽ chỉ vận hành cho đến khi Mặt Trời lặn sau ngày đầu tiên trên Mặt Trăng (một ngày Mặt Trăng - không kể đêm - bằng hơn 14 ngày Trái Đất). Không giống như Nga, quốc gia đã thành công trong việc hạ cánh tàu vũ trụ robot trên Mặt Trăng, Ấn Độ đang cố gắng khắc phục thất bại của Vikram, một tàu đổ bộ từng di chuyển trên tàu quỹ đạo Chandrayaan-2 vào năm 2019 và không thể hạ cánh thành công.

Các nhà chức trách tại Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) cho biết họ đã rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình và hy vọng rằng lần này tàu vũ trụ sẽ hạ cánh thành công với tốc độ tương đương tốc độ của một người đi bộ. Tài sản lớn mà họ có trên tàu vũ trụ là Pragyan (có nghĩa là "trí tuệ" trong tiếng Phạn) - một phương tiện di động nhỏ cho phép nó khám phá môi trường gần điểm hạ cánh ở cực nam và phân tích thành phần đất và đá.

Cực nam Mặt Trăng là nơi được đánh giá có khả năng cao khai thác nước.

Cơ quan vũ trụ Ấn Độ cho biết họ đã có sáu tàu thăm dò quỹ đạo Mặt Trăng đang hoạt động và hai tàu khác đã bị bỏ lại. Theo cơ quan này, Chandrayaan-2 đã phải thực hiện 3 lần thao diễn để tránh va chạm với các tàu khác. Nhóm nghiên cứu của Ấn Độ hy vọng rằng khi Mặt Trăng xuất hiện nhiều tàu thăm dò hơn, cả của nhà nước và tư nhân, sẽ cần sự phối hợp tốt hơn để tránh những rủi ro này.

Cũng giống như Nga và Ấn Độ đang cạnh tranh để trở thành quốc gia đầu tiên đổ bộ xuống cực nam Mặt Trăng, Nhật Bản sẽ tham gia cuộc đua với sứ mệnh Slim, một thiết bị nhỏ do cơ quan vũ trụ Nhật Bản phát triển dự kiến ​​sẽ cất cánh vào ngày 26/8. Nhưng mục tiêu của Slim là hạ cánh ở xa cực, ở vùng xích đạo của Mặt Trăng.

Điểm nhấn - sứ mạng người đổ bộ Mặt Trăng

Điểm nổi bật trong "cơn sốt vàng" Mặt Trăng là sứ mệnh phi hành đoàn lên Mặt Trăng, do Mỹ và các đồng minh chuẩn bị thực hiện. Đầu tuần này, Giám đốc NASA Bill Nelson đã tổ chức một cuộc họp báo dường như được thiết kế trùng với thời điểm ra mắt sứ mệnh Luna-25 của Nga. Thông điệp chính của ông là ngày bắt đầu các sứ mệnh có người lái Artemis 2 và 3 sẽ không bị thay đổi, bất chấp thực tế là tên lửa cần thiết cho một trong hai sứ mạng này, tên lửa Starship của SpaceX, đã nổ tung trong lần thử nghiệm đầu tiên.

Artemis 2, do ba phi hành gia người Mỹ và một người Canada điều khiển, sẽ khởi hành vào cuối năm 2024 để bay cạnh Mặt Trăng. Sứ mệnh tiếp theo, được ấn định vào tháng 12/2025, sẽ chứng kiến ​​người phụ nữ đầu tiên và phi hành gia da đen đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, 50 năm sau sứ mệnh đổ bộ đầu tiên tới đây. Mục tiêu của tàu là hạ cánh ở cực nam.

Ông Nelson đồng ý rằng có một cuộc chạy đua vào không gian, mặc dù nói rằng đối thủ chính của Mỹ không phải là Nga hay Ấn Độ, mà là Trung Quốc. “Tôi không muốn Trung Quốc đưa người đến cực nam trước". "Đây là của chúng tôi, hãy đứng ngoài cuộc", ông Nelson, cũng là một cựu nghị sĩ, nói.

Thông qua các hiệp ước Artemis, Mỹ đang tự khẳng định mình là trọng tài thế giới sẽ giám sát rằng tất cả các bên ký kết đều có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên của Mặt Trăng. Cho đến nay, 28 quốc gia đã ký hiệp ước. Bất chấp cuộc xung đột Ukraine đang diễn ra, ông Nelson đã ủng hộ sứ ​​mệnh của Nga. “Chúng tôi chúc họ may mắn", ông nói về Luna-25.

Vào năm 2024, NASA cũng hy vọng sẽ khởi động một số sứ mệnh robot, bao gồm cả xe thám hiểm di động, sẽ mở đường cho các phi hành gia và Trại căn cứ Artemis, khu định cư đầu tiên của con người ở cực nam Mặt Trăng. Từ đó, các phi hành gia sẽ khám phá môi trường bằng cách sử dụng các phương tiện khác nhau, đầu tiên là trong vài ngày và sau đó là trong nhiều tuần. Đây sẽ là khởi đầu cho các dự án công-tư sẽ được phát triển trong thập kỷ này, để bắt đầu khai thác nước và khoáng chất trên Mặt Trăng.

Các căn cứ quỹ đạo và bề mặt Mặt Trăng cũng sẽ là địa điểm thử nghiệm cho các sứ mệnh tới Sao Hỏa trong tương lai, với chuyến đi một chiều đã kéo dài một năm.

Nhà khoa học kỳ cựu người Nga Mikhail Marov, một chuyên gia về khám phá hệ Mặt Trời, hy vọng rằng các hoạt động thám hiểm không gian có thể dẫn đến sự hợp tác toàn cầu lớn hơn. “112 năm trước, vào năm 1911, nghiên cứu về cực nam của Trái đất đã bắt đầu”, ông Marov viết trong số đặc biệt của tạp chí Bản tin Thiên văn (Astronomical Bulletin) dành riêng cho sứ mạng Luna-25.

“Nửa thế kỷ sau, Nam Cực đang là nơi sinh sống của hàng nghìn người từ gần 30 quốc gia, những người liên tục thực hiện nghiên cứu khoa học quy mô lớn ở đó. Trong kỷ nguyên hiện đại, nam của Mặt Trăng có thể trở thành một sự khởi đầu tương tự như vậy", chuyên gia Marov viết.

Theo TTXVN