Cánh cửa đóng tại Văn phòng Thủ tướng Anh ở số 10 phố Downing, London. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, trong ngày 10/7, các ứng viên đã đồng loạt đăng tải video vận động tranh cử trên các phương tiện truyền thông và xuất hiện trên các chương trình talkshow chính trị, tuyên bố chính thức tranh cử. Một số ứng viên hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế với mục đích thu hút các nghị sĩ đảng Bảo thủ.
Ngày 7/7, Thủ tướng Boris Johnson đã tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng cầm quyền sau khi hơn 50 thành viên Nội các và các quan chức cấp thấp hơn viết đơn từ chức. Nhiều nghị sĩ viện lý do lo ngại những sai sót về mặt đạo đức của nhà lãnh đạo Anh đã làm giảm uy tín của chính phủ.
Tuyên bố từ chức của ông Boris Johnson đã khởi động một cuộc cạnh tranh trong nội bộ đảng Bảo thủ để chọn ra một nhà lãnh đạo mới. Theo chính phủ nghị viện Anh, lãnh đạo tiếp theo của đảng cầm quyền sẽ mặc nhiên trở thành thủ tướng mà không cần tổ chức tổng tuyển cử.
Trong ngày 10/7, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Penny Mordaunt và Ngoại trưởng Liz Truss thông báo chính thức tranh cử. Trong khi Bộ trưởng Mordaunt cho biết Vương quốc Anh “cần tập trung cho con tàu thay vì thuyền trưởng” thì Ngoại trưởng Truss cam kết đảo ngược chính sách tăng tỷ lệ bảo hiểm quốc gia và cắt giảm thuế ngay ngày đầu tiên nhậm chức.
Hai cựu Bộ trưởng Y tế Sajid Javid và Jeremy Hunt cũng tuyên bố tham gia cuộc đua bầu chọn lãnh đạo vào cuối ngày 9/7. Các ứng cử viên khác bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Tài chính Nadim Zahawi - người vừa được bổ nhiệm trong tuần trước.
Cuộc đua diễn ra sau khi vị thủ tướng 58 tuổi hứng chịu chỉ trích sau một loạt bê bối. Vụ bê bối gần đây nhất của Thủ tướng Boris liên quan đến quyết định thăng chức nhà lập pháp từng bị cáo buộc hành vi quấy rối tình dục lên một vị trí cấp cao trong chính phủ.
Một ủy ban có tầm ảnh hưởng của đảng Bảo thủ dự kiến công bố các quy định cho cuộc bầu lãnh đạo vào ngày 11/7. Nhiều thông tin cho thấy các nhà lập pháp đảng Bảo thủ sẽ thu hẹp cuộc đua xuống còn 2 ứng viên chính trước khi Quốc hội nghỉ hè vào ngày 21/7. Các nghị sĩ sau đó sẽ có cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào cuối tháng 8.
Về phần mình, Boris Johnson khẳng định ông vẫn giữ chức thủ tướng tạm quyền cho đến khi người kế nhiệm được chọn. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ muốn ông rời nhiệm sở ngay lập tức do lo ngại ông có thể mắc tiếp sai lầm khi còn đương chức.
Trước cuộc bình chọn lãnh đạo mới, các nghị sĩ nhấn mạnh người tiếp theo lên nắm quyền điều hành đất nước cần các đức tính như chính trực và trung thực.
Karan Bilimoria, cựu chủ tịch của Liên đoàn Công nghiệp Anh, cho biết quyết định về một nhà lãnh đạo mới cần được đưa ra càng sớm càng tốt vì các doanh nghiệp vẫn đang phải vật lộn để vượt qua tác động của đại dịch và đối mặt với khả năng suy thoái ngày càng tăng.
“Chúng ta phải vượt qua giai đoạn này càng nhanh càng tốt và tìm ra một nhà lãnh đạo giỏi để sau đó có thể tạo dựng lại lòng tin. Quốc gia đã mất niềm tin và doanh nghiệp đang rất lo lắng”, ông Karan trả lời trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Times Radio.
Theo BẢO HÀ (Báo Tin Tức)