Khó khăn chồng chất
Trước đây, 1 container cá tra (loại 40 feet) đi từ Việt Nam đến Hoa Kỳ chỉ mất khoảng 2.000 - 2.500 USD; nay cước tăng lên từ 3.000 - 4.000 USD/container hàng (tùy vào thời điểm và địa điểm giao nhận). Trung tuần tháng 1/2024 vừa qua, giá cước các hãng tàu áp dụng cho tuyến từ TP. Hồ Chí Minh đi các cảng Bắc Âu tăng đến 90% so tháng 12/2023, trung bình ở mức 3.700 USD/container; TP. Hồ Chí Minh đi đến Bờ Tây Hoa Kỳ tăng 55%, từ 2.500 - 2.950 USD/container. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới cho biết, khủng hoảng ở Biển Đỏ đã làm giá cước hàng hải tăng nhanh, các hãng tàu phải thay đổi hải trình, thay vì đi qua kênh đào Suez thì họ chọn hải trình đi qua mũi Hảo Vọng để tránh sự tấn công của lực lượng phiến quân Houthi. Cung đường vận chuyển tăng thêm từ 3.000 - 3.500 hải lý (tương đương 6.000km), thời gian tàu đến cảng kéo dài thêm từ 7 - 10 ngày, phát sinh chi phí rất lớn.
Giá cước vận tải biển tăng là do khủng hoảng ở Biển Đỏ
Hệ lụy của cước hàng hải tăng đã làm sức cạnh tranh của sản phẩm cá tra so với các loài cá thịt trắng giảm một cách đáng kể. Chi phí đầu vào tăng đã làm cho giá bán sản phẩm tăng lên, các nhà nhập khẩu hạn chế mua hàng. Nhà máy khủng hoảng sản xuất, công nhân mất việc làm trong khi Tết Giáp Thìn đang đến gần…
An Giang hiện có 3 sản phẩm chủ lực đang đẩy mạnh xuất khẩu, ngoài lúa gạo, cá tra, tỉnh còn xuất khẩu trái cây, chủ lực là xoài. Diện tích trồng xoài của tỉnh có khoảng 12.000ha. Để tiêu thụ hết lượng xoài, nhiều DN trong nước đã xây dựng vùng nguyên liệu, phục vụ xuất khẩu, trong đó có Công ty TNHH TMDV XNK Vina T&T (TP. Hồ Chí Minh). “Mỗi tuần, công ty xuất từ 15 - 20 container trái cây tươi sang Hoa Kỳ bằng đường hàng hải. Trong hải trình, tàu phải đi qua kênh đào Suez. Vận chuyển bằng đường hàng hải, chi phí tốn 0,4 USD/kg, còn đường hàng không phải mất từ 4 - 5 USD/kg. Nay, cước phí vận tải biển tăng đã tác động mạnh đến việc xuất hàng của đơn vị. Sản lượng xuất khẩu trái cây tươi đã giảm đến 50% so với trước” - Giám đốc Công ty TNHH TMDV XNK Vina T&T Nguyễn Đình Mười chia sẻ.
Doanh nghiệp FDI vẫn duy trì sản xuất bằng cách cho công nhân luân phiên nghỉ việc
Thích ứng linh hoạt
Kênh đào Suez là một trong 6 tuyến hàng hải quan trọng của thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là tuyến hàng hải ngắn nhất nối Châu Á với Châu Âu, đồng thời là tuyến nhanh nhất nối Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương. Tuyến hàng hải này chiếm khoảng 12% tổng lượng hàng hóa của thương mại toàn cầu. Kể từ tháng 11/2023 đến nay, phiến quân Houthi (được Iran hậu thuẫn ở Yemen) đã tấn công vào các tàu thương mại đi qua kênh đào này. Hoạt động của Houthi nhằm đáp trả việc Israel bắn phá vào Dải Gaza. Khủng hoảng ở Biển Đỏ buộc các hãng tàu nổi tiếng, như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… phải thay đổi hải trình, đi qua mũi Hảo Vọng, làm phát sinh chi phí và thời gian tàu đến cảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời gian xử lý hàng tại các cảng ở nước Anh và các trung tâm lớn ở Châu Âu, như: Rotterdam, Antwerp hay Hamburg.
Nhiều ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng
Giá cước tăng làm cho chi phí bán hàng “đội lên”, các nhà nhập khẩu cá tra, rau màu, lúa gạo hạn chế mua hàng. Hàng hóa xuất khẩu hạn chế, nhiều DN gặp khó về tiền mặt, công nhân bị giảm giờ và cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. “Đây là một thách thức mới cho DN chế biến cá tra trong năm 2024. Nếu khủng hoảng tại Biển Đỏ kéo dài, hệ lụy của nó là khôn lường, chúng tôi mong mọi việc sẽ được giải quyết sớm để sản xuất ổn định trở lại bình thường” - ông Doãn Tới kỳ vọng.
Để khắc phục khó khăn trước mắt, ngoài theo dõi sát diễn biến tại Biển Đỏ để tìm giải pháp khắc phục, 5 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Khu công nghiệp Bình Hòa (chuyên sản xuất giày da và may mặc), như: Công ty TNHH MTV Apparel (Thái Lan), Công ty TNHH An Giang Samho (Hàn Quốc), Công ty TNHH Công nghệ may mặc Spectre AG VN (Đan Mạch)… đã phải nhanh chóng thích ứng với tình hình. Cụ thể, trong sản xuất, các công ty đã sắp xếp lại nhân sự, thời gian làm việc theo hướng giữ việc làm cho tất cả người lao động; đẩy mạnh hỗ trợ thêm các chi phí sinh hoạt để công nhân có cuộc sống ổn định, chờ khi tình hình phục hồi sẽ ổn định sản xuất trở lại…
“Sở Công Thương đang cùng với các DN xuất, nhập khẩu trong tỉnh theo dõi sát tình hình, diễn biến trên Biển Đỏ để từ đó chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác mua hàng, trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng và giao nhận hàng hóa. Đây là giải pháp tình thế nhằm thích ứng nhanh chóng với tình hình khủng hoảng ở Biển Đỏ hiện nay” - Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng khuyến nghị. |
MINH HIỂN