Cuộc suy thoái toàn cầu tiếp theo có thể bắt đầu ở châu Âu

21/07/2023 - 14:06

Ông Tom Luongo, nhà phân tích tài chính và địa chính trị, Chủ biên của Ấn phẩm Gold, Goats 'n Guns, nhận định rằng một cuộc khủng hoảng mới có thể sắp xảy ra đối với nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU).

Đồng euro. Ảnh: Sputnik

Theo đài Sputnik, tỷ lệ lạm phát hàng năm của khu vực đồng euro đã giảm từ mức 6,1% trong tháng 5 xuống 5,5% trong tháng 6. Trong khi một năm trước đó, tỷ lệ này đạt mức 8,6%. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Luongo, còn quá sớm để lạc quan vì lạm phát cao hơn sắp quay trở lại châu Âu vào cuối năm nay. Hơn nữa, suy thoái kinh tế đã bắt đầu nhấn chìm khối này, do chính sách năng lượng thiếu sót và các đợt tăng lãi suất mạnh của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

ECB tăng lãi suất sẽ gây ra thảm họa?

Theo ông Luongo, Chủ tịch ECB Christine Lagarde dường như nhận thức được rằng khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, mặc dù lạm phát đang chậm lại. Biện pháp của ECB là tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 7 và sau đó. Tháng 6 vừa qua, ECB đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm. Tuy nhiên, nhà phân tích tài chính này nhấn mạnh biện pháp này sẽ chẳng giúp ích được gì.

Ông Luongo giải thích ECB không đủ khả năng tiếp tục tăng lãi suất vào thời điểm này bởi Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) thực sự đã phá sản.

“Hai tuần trước, một kiểm toán viên người Đức đã xuất hiện và nói: 'Hãy nhìn xem, Bundesbank không còn vốn chủ sở hữu sau khi mua khoản nợ trị giá 3,5 nghìn tỷ USD' của chính mình. Phần còn lại của khoản tiền đó để hỗ trợ thị trường trái phiếu. Họ đang đối phó với lạm phát cơ cấu và tình trạng này sẽ không biến mất. Chủ tịch ECB Lagarde cuối cùng đã thừa nhận điều đó”, ông nói thêm.

Một số quốc gia thành viên EU cũng nhận ra rằng tăng lãi suất chẳng thể kiểm soát lạm phát. Cuối tháng trước, Thủ tướng Iatly Giorgia Meloni đã chỉ trích chính sách của ECB, nói rằng “thuốc chữa” này có thể còn tệ hơn “căn bệnh”. Theo chuyên gia Luongo, những lo ngại của ông Meloni là hợp lý, vì hoạt động sản xuất của Iatly đã giảm vào tháng 6 với tốc độ nhanh nhất trong ba năm qua. S&P Global cũng dự báo rằng đà giảm của Iatly sẽ trầm trọng hơn khi ECB không ngừng tăng lãi suất.

Nhà phân tích Luongo lưu ý rằng do liên tục tăng lãi suất, nên Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang phải chứng kiến đồng euro và đồng bảng Anh mạnh hơn dự đoán. Đồng thời, ông ước tính rằng giá trị của những loại tiền tệ này hiện được định giá cao hơn khoảng 15%. Tuy nhiên, một loại tiền tệ có giá trị cao hơn sẽ giúp cho hàng xuất khẩu của một quốc gia trở nên đắt đỏ hơn ở thị trường nước ngoài.

“Châu Âu sẽ làm gì với thị trường xuất khẩu của khối, vốn không phải là thế mạnh ngay từ đầu?”, nhà kinh tế Loungo nói.

Logo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bên ngoài trụ sở chính tại Frankfurt, Đức. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, giá năng lượng tăng là một thách thức khác đối với EU. Chuyên gia này Loungo lưu ý rằng nền kinh tế châu Âu từ lâu đã phụ thuộc vào nguồn năng lượng tương đối rẻ. Sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt năng lượng sâu rộng đối với Nga, và các chính sách “năng lượng xanh” trước đó nhắm vào nhiên liệu hóa thạch, giá năng lượng ở châu Âu đã tăng 60% vào năm 2022.

Trong hai quý đầu năm 2023, châu Âu chứng kiến chi phí năng lượng giảm do mùa đông ôn hòa, lượng dự trữ dồi dào, nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đều đặn và trên hết là mức tiêu thụ thấp hơn. Tuy nhiên, Luongo dự đoán giá dầu và khí đốt sẽ sớm tăng trở lại.

“Vì người châu Âu đã cắt nguồn cung khí đốt và dầu mỏ giá rẻ của Nga, họ sẽ phải tìm đến các nguồn cung khác với giá rất cao. Và Tổng thống Mỹ Biden sẽ phải ngừng tiêu thụ khí đốt từ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) để hỗ trợ cho nhu cầu năng lượng của châu Âu. Chính sách đó sẽ được thực thi”, ông Loungo cho hay.

Ngoài ra, chi phí năng lượng cao hơn có thể gây ra lạm phát tăng đột biến. Đây là một trong những lý do tại sao chuyên gia này cho rằng lạm phát sẽ quay trở lại vào cuối năm nay. Ông Luongo cũng tin rằng sẽ có một làn sóng lạm phát đẩy chi phí hàng hóa tăng cao.

Lạm phát ở EU có thể gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới?

Trong năm qua, các chuyên gia đã dự đoán rằng một cuộc suy thoái toàn cầu mới theo kiểu năm 2008 có thể tái diễn với nền kinh tế thế giới. Và phần lớn các nhà phân tích cho rằng bong bóng suy thoái mới này có thể đến từ Mỹ.

Tuy nhiên, theo ông Luongo, nhiều khả năng cuộc suy thoái toàn cầu tiếp theo, nếu diễn ra, sẽ bắt nguồn từ châu Âu, do lạm phát tràn lan và sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng. Điềm báo đầu tiên về nguy cơ này đó là Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ sụp đổ vào tháng 3/2023.

“Chủ tịch ECB Lagarde sẽ quyết định bắt đầu sử dụng đồng euro kỹ thuật số vào tháng 10, vì bà ấy cần thực hiện điều đó. Lagarde biết rằng sắp có một cuộc khủng hoảng ngân hàng và bà ấy cần phải làm điều gì đó quyết liệt để vô hiệu hóa tất cả các khoản nợ không thể trả”, ông Loungo nói.

Một khu chợ địa phương ở Nice, Pháp hôm 7/6/2023. Ảnh: Reuters

Vào đầu năm 2015, ECB đã khởi động các chương trình nới lỏng định lượng (QE) quy mô lớn khiến nền kinh tế khu vực đồng euro chậm lại đáng kể. Trong nhiều năm, lãi suất của ECB đã ở mức gần bằng 0, trong khi từ tháng 9/2019 đến tháng 7/2022, lãi suất đã ở mức âm. Giới chức cho rằng chương trình này giúp ngăn lạm phát xuống mức thấp.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020, tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu thậm chí còn giảm hơn nữa khiến các quốc gia thành viên trong khối phải chi tiêu nhiều hơn.

Theo các nhà quan sát quốc tế, dường như việc tăng lãi suất cơ bản không phải là mối lo ngại đối với ECB vào thời điểm đó. Cuối cùng, vào năm 2021, lạm phát bắt đầu tăng cao và ECB đã đi đến một thái cực khác bằng cách mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ của khối.

Theo TTXVN