Nem lợn mán ống luồng được sản xuất chính ở thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, Thanh Hóa.
Là một trong số những cơ sở sản xuất nem lợn mán ống luồng đầu tiên, bà Lê Thị Thanh, chủ cơ sở một cơ sở nem ở thị trấn Bến Sung, cho biết, nem lợn mán đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, để phát triển thành sản phẩm thương hiệu thì mới được khoảng 5 năm trở lại đây.
Món nem lợn mán ống luồng ở Thanh Hóa đang được nhiều người ưa chuộng. Ảnh TN
Nguyên liệu chính để làm món nem là thịt lợn mán. Lợn phải là loại lợn đen, nuôi tự nhiên trong rừng.
Để có những cái nem ngon, sau khi giết mổ lợn, người thợ phải chọn những thớ thịt nạc tươi thái miếng cùng với da lợn thái mỏng, sau đó rắc thính ngô, đậu, tiêu, bột ngọt, đường tỏi...
Nem ngon, khâu chọn thịt lợn là rất quan trọng. Ảnh TN
Cùng với đó, ống luồng để bỏ nem phải chọn ống bánh tẻ để giữ độ ẩm cho nem và giữ được hương vị. Theo người làm nem, nếu luồng non quá sẽ khiến ống bị mốc, còn luồng già lại làm cho nem bị khô.
Tùy theo thời tiết, nem lợn mán ăn ngon nhất là phải ủ được tầm 5 đến 6 ngày. Sau khi nem chín, có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 7-15 ngày.
Món nem không thể thiếu được da (bì lợn). Ảnh TN
Khi ăn, nem có thể được chấm với tương ớt, nước mắm tỏi ớt và ăn cùng với các loại rau thơm, lá sung, đinh lăng... tạo nên hương vị chua, cay, chát, bùi. Đây cũng là món ăn không thể thiếu đối với nhiều gia đình mỗi dịp lễ hội.
Những gói nem sau khi đã trộn thính để chuẩn bị đưa vào ông luồng. Ảnh TN
Nem ủ khoảng 4 ngày là ăn được. Ảnh TN
Ông Vũ Hữu Tuấn, Bí thư Đảng ủy thị trấn Bến Sung cho biết, hiện nay trên địa bàn thị trấn có 11 hộ sản xuất nem lợn mán ống luồng. Hàng năm địa phương cung cấp hơn 60 vạn nem ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.
“Chúng tôi đang xây dựng các cơ sở sản xuất lại thành chuỗi liên kết để vươn xa ra thị trường lớn hơn. Hiện đã có một cơ sở đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và một cơ sở đang xây dựng sản phẩm OCOP 4 sao”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo Vietnamnet