Lắng nghe người lao động để giải quyết những tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng
Hàng loạt hoạt động đã được CĐ các cấp triển khai, như: ký kết thỏa ước LĐ tập thể, đối thoại, theo dõi việc thực hiện lương tối thiểu vùng, thực hiện pháp luật LĐ tại doanh nghiệp (DN). Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã ban hành kế hoạch và đề ra chỉ tiêu cụ thể để nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước LĐ tập thể giai đoạn 2018-2013: phấn đấu trong DN Nhà nước có tổ chức CĐ phải thực hiện đạt 100%; DN ngoài Nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức CĐ đạt 90%.
Đồng thời, 90% trở lên Thỏa ước LĐ tập thể được ký kết có nhiều nội dung có lợi cho người LĐ, 30% bản Thỏa ước LĐ tập thể được ký kết xếp loại A theo tiêu chí đánh giá, phân loại của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp liên tịch với Bảo hiểm xã hội, Tòa án, Hội Luật gia; đẩy mạnh hoạt động của Văn phòng Tư vấn pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có liên quan đến quyền lợi của người LĐ.
Khi Nghị định số 141/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về điều chỉnh lương tối thiểu vùng chính thức có hiệu lực, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐ cơ sở DN phải phối hợp người sử dụng LĐ xây dựng phương án tiền lương theo đúng qui định, đảm bảo lương tối thiểu cho người LĐ. LĐLĐ tỉnh tổ chức khảo sát và tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành đối với 54 DN về thực hiện pháp luật LĐ, lương tối thiểu vùng, an toàn vệ sinh LĐ…
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Nhiên cho biết, tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh có 233 DN có CĐ cơ sở. Hầu hết các DN thực hiện tốt việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Lương tối thiểu vùng II (3.530.000 đồng) gồm TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc; vùng III (3.090.000 đồng) gồm DN đóng trên địa bàn TX. Tân Châu, các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn; vùng IV (2.760.000 đồng) là các địa bàn còn lại.
Định kỳ vào tháng 5, LĐLĐ tỉnh phối hợp các cơ quan tổ chức diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, sở, ngành với công nhân LĐ đang làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh.
Qua 6 năm tổ chức, đã có hơn 900 lượt công nhân tham gia; LĐLĐ tỉnh cũng đã nỗ lực thay đổi từ hình thức đến nội dung theo hướng gần gũi, thân thiện để người LĐ thoải mái, mạnh dạn chia sẻ tâm tư nguyện vọng và đề đạt các ý kiến đến lãnh đạo.
Nội dung mỗi lần đối thoại xoay quanh những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm của người LĐ như: chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, nhà ở, việc làm; chế độ thai sản đối với LĐ nữ, nhà trẻ, bữa ăn ca… được lãnh đạo tỉnh đại diện sở, ngành trả lời trực tiếp trong phạm vi thẩm quyền.
Tiếp tục thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ, chuẩn bị tham gia Đại hội XII CĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh đã tập hợp ý kiến, kiến nghị của CNVC-LĐ để đề xuất tại đại hội nhằm gửi gắm những nguyện vọng của người LĐ trong tỉnh.
Điển hình như đề xuất cân nhắc, xem xét thành tích thi đua LĐ sáng tạo của những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng núi, có quy mô vừa nhỏ, vừa ít. Đề nghị sửa đổi hình thức thực hiện dân chủ theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3, Điều 63 của Bộ luật LĐ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Ngoài ra, còn ý kiến, đề xuất về nội dung tăng giờ làm thêm phù hợp với nguyện vọng của người LĐ; cần thống nhất quy định DN có quy mô bao nhiêu LĐ thì phải thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Tinh thần quan tâm, lắng nghe, ghi nhận và đáp ứng những nguyện vọng chính đáng giúp CĐ trở thành điểm tựa, là tổ chức tin cậy để đại diện và bảo vệ vì người LĐ.
MỸ HẠNH