Đảm bảo an toàn trong dạy học trực tuyến

04/11/2021 - 04:43

 - Thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã áp dụng phương pháp học trực tuyến đối với các em học sinh các cấp. Tuy nhiên, việc dạy và học trực tuyến vẫn còn một số bất cập. Do đó, ngành GD&ĐT An Giang đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn trong dạy học trực tuyến cho các em học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn trong việc học trực tuyến

Còn nhiều bất cập

Năm học 2021-2022 là năm học đặc biệt đối với ngành GD&ĐT. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc học tập của các em học sinh phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Để thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, đồng thời thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Sở GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai các hoạt động giáo dục, trong đó có các hình thức dạy, học linh hoạt phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Theo Sở GD&ĐT An Giang, thực hiện chủ trương chung của ngành, nhiều đơn vị, trường học đã chủ động xây dựng kịch bản cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Các đơn vị đã khảo sát và tìm nhiều giải pháp hỗ trợ giáo viên, học sinh còn nhiều khó khăn, chưa đủ điều kiện để dạy và học trực tuyến. Nhiều thầy cô giáo đã rất nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, tự trau dồi, học tập, bồi dưỡng thêm kiến thức chuyên môn, kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy trực tuyến, tâm huyết và đầu tư cho từng bài giảng.

Sau thời gian triển khai thực hiện dạy học trực tuyến, nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với chỉ đạo của ngành và điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị. Nhiều trường đã thực hiện khảo sát và đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ giáo viên, học sinh, góp phần nâng chất lượng dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, trên thực tế việc dạy và học trực tuyến vẫn còn một số bất cập, như: giáo viên chưa quản lý tốt tinh thần, thái độ học tập của học sinh; sự tương tác giữa giáo viên và học sinh còn hạn chế; chưa đảm bảo tính an toàn trong quá trình dạy và học…

Đặc biệt, vấn đề an toàn về điện khi tham gia học trực tuyến là điều mà các các bậc phụ huynh quan tâm. Theo anh Lê Văn Vinh (phụ huynh học sinh tại xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) việc sử dụng máy tính bàn, máy tính bảng, laptop, điện thoại thông minh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho các em học sinh, đặc biệt là các em nhỏ. Để hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra, phụ huynh cần hướng dẫn các em một số nguyên tắc về an toàn sử dụng điện, như: không cắm điện khi tay ướt, không chạm tay vào ổ điện, không sử dụng các vật dụng bằng kim loại khi gần nguồn điện...

Đảm bảo an toàn

Sở GD&ĐT An Giang đề nghị thủ trưởng các đơn vị tăng cường công tác truyền thông bằng hình thức phù hợp, giúp giáo viên và học sinh nâng cao các kiến thức, kỹ năng về an toàn khi sử dụng các thiết bị điện; hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe mắt, sức khỏe tâm thần và các khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, hướng dẫn các kỹ năng an toàn khi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học trực tuyến, khi sử dụng mạng xã hội; nâng cao ý thức, tự giác lưu trữ, bảo quản thông tin cá nhân, hình ảnh, video, dữ liệu riêng tư trong máy tính, điện thoại...

Sở GD&ĐT An Giang còn phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên sử dụng đa dạng các phần mềm hỗ trợ trực tuyến; những khuyến cáo về kỹ thuật, hạn chế bị người lạ xâm nhập, lấy quyền giảng dạy hoặc chia sẻ những thông tin không phù hợp làm ảnh hưởng đến giờ dạy và học của giáo viên, học sinh. Sở GD&ĐT khuyến khích giáo viên tự nghiên cứu, tìm tòi, khai thác các tính năng hữu ích của các phần mềm dạy, học trực tuyến, nâng cao kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin, cảnh giác trước các đường link, ứng dụng.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT An Giang còn yêu cầu nhà trường cần thường xuyên thăm lớp, dự giờ dạy trực tuyến của giáo viên nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh ngôn phong, phương pháp giảng dạy chưa phù hợp, tuân thủ đúng thời lượng các tiết dạy theo hướng dẫn, tránh kéo dài gây mệt mỏi cho học sinh. Trong đó, chú trọng sử dụng các biện pháp giáo dục sáng tạo, linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy năng khiếu, sở thích của học sinh. Qua đó, giúp các em được thư giãn sau những giờ học căng thẳng, góp phần từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, an toàn trong dạy và học trực tuyến.

ĐỨC TOÀN