Bộ sưu tập cổ vật khổng lồ
Bước vào căn nhà trưng bày của anh Trần Văn Thắng, nhiều người không khỏi choáng ngợp bởi số lượng cổ vật được bày trí nơi đây. Anh Thắng cho biết, hiện anh sở hữu hàng ngàn vật phẩm, có niên đại từ vài chục năm đến vài trăm năm. Sản phẩm rất đa dạng, phong phú, từ chén, dĩa, bình trà, bình hoa, đồ trang trí… cho đến đèn, quạt, cassette; đủ chất liệu.
Nguồn gốc, xuất xứ của những món đồ này khá đa dạng, từ gốm Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), gốm Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cho đến gốm Nhật, sản phẩm từ Pháp… Những vật phẩm này được sắp xếp khoa học, ngăn nắp như “bảo tàng thu nhỏ”, là thành quả 7 năm anh Thắng tìm kiếm, sưu tầm.
Anh Thắng bên những cổ vật sưu tầm
Để có được những món đồ cổ trên, anh Thắng lặn lội khắp cả nước. Chỉ cần có thông tin về món đồ, dù bất kỳ đâu, anh sẵn sàng tìm đến. Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào cũng thành công, mua được món hàng ưng ý.
Anh Thắng chia sẻ: “Lúc mới bắt đầu chơi đồ cổ, tôi phải bỏ nhiều thời gian, công sức, đi nhiều nơi để tìm kiếm, thu mua. Có những món đồ tôi rất thích, nhưng khi đến nơi thì chủ nhà không bán vì muốn giữ lại làm kỷ niệm. Có món đồ, tôi theo đuổi nhiều năm vẫn không mua được. Tuy nhiên, hễ mua được sản phẩm ưng ý, bao nhiêu mệt mỏi đều nhanh chóng qua đi. Hiện nay, việc tìm kiếm, thu mua dễ dàng hơn trước rất nhiều, nhờ tôi có mối quen”.
Người chơi đồ cổ có xu hướng sưu tầm 1 loại cổ vật. Có người thích sưu tầm đồng hồ, đồ gốm, đồ đồng, cũng có người thích sưu tầm tiền cổ, tiền xưa… Anh Thắng lại sưu tầm tất cả đồ vật. Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề này, anh Thắng cho biết, trước đây, anh làm việc cho một trạm xăng đường thủy, cung cấp nguyên liệu cho tàu, ghe qua lại trên sông.
Một lần tình cờ, thấy trong bếp của khách hàng có một số chén xưa. Vốn đam mê từ trước, anh Thắng mạnh dạn ngỏ ý chia lại, được chủ ghe chấp thuận. Sản phẩm sau đó được anh chia sẻ cho người khác có cùng đam mê đồ cổ. Thấy được cơ hội kinh doanh, anh Thắng chuyển hướng sang sưu tầm, kinh doanh đồ cổ cho đến nay.
Chia sẻ đam mê
Theo anh Thắng, đồ cổ, đồ xưa đòi hỏi người chơi phải hiểu biết trong việc nhận biết cổ vật. Bản thân anh học từ bạn bè hoặc từ quá trình trao đổi đồ vật. Kinh nghiệm của anh là phải chịu khó đọc nhiều, đi nhiều; nghề dạy nghề, nghề học nghề mới có thể trở nên rành rẽ. Hàng ngày, những lúc rảnh rỗi, anh dành thời gian lên mạng nắm thông tin, giá cả, trao đổi về đồ cổ. Nhờ vậy, anh nắm chắc giá cả của từng món đồ, quyết định mua hay bán, mua cái gì, bán cho ai, bán ở đâu… để thu lại lợi nhuận.
Bộ sưu tập của anh Thắng đa dạng với nhiều chủng loại khác nhau
Không chỉ sưu tầm đồ cổ, anh Thắng còn chủ động kết giao với nhiều thành viên của Hội Cổ vật tỉnh An Giang để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như giới thiệu món đồ cổ mà mình sở hữu. Mới đây, anh còn tham gia Chi hội đồ xưa huyện Châu Thành. Đây là sân chơi lành mạnh cho những người yêu thích cổ vật. Dự kiến, Chi hội đồ xưa huyện Châu Thành họp mặt 1 lần/tháng. Qua đó, các thành viên có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, niềm đam mê cổ vật với nhau. Đồng thời góp phần phát triển cộng đồng người chơi đồ cổ trong địa bàn. Ngoài ra, anh Thắng cũng thường xuyên gửi tặng cổ vật mình sưu tầm được cho các bảo tàng trong và ngoài tỉnh.
Thời gian tới, anh Thắng mong muốn được kết hợp với những nhà sưu tập lớn của tỉnh để tổ chức buổi trưng bày cổ vật Việt Nam. Qua đó, giúp người cùng đam mê, sở thích có cơ hội thưởng thức, chiêm ngưỡng sản phẩm độc đáo của người xưa. Đồng thời, tôn vinh và giới thiệu giá trị, vốn quý di sản văn hóa Việt Nam đến với các tầng lớp nhân dân.
ĐỨC TOÀN