Đảng bộ An Giang xây dựng và phát triển quê hương

30/09/2022 - 05:48

 - An Giang là vùng đất giàu truyền thống anh hùng, kiên cường, bất khuất; vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Sau Hội nghị hợp nhất ngày 3/2/1930 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đến đầu tháng 4/1930, Chi bộ Đảng đầu tiên của Long Xuyên, Châu Đốc được thành lập ở Long Điền (huyện Chợ Mới).

Ảnh: THANH HÙNG

Ngay sau đó, các chi bộ đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, chứng minh vai trò của một tổ chức cách mạng. Cao trào cách mạng 1930-1931 ở An Giang đã giáng cho thực dân Pháp và tay sai những đòn chí tử. Nói về giai đoạn này, một nhà nghiên cứu lịch sử Pháp nhận định: “Cùng với Mỹ Tho, Đức Hòa, vùng Chợ Mới, Cao Lãnh là một trong những lò lửa nóng bỏng...”.

Phong trào đấu tranh dân chủ 1936-1939 ở Long Xuyên - Châu Đốc tiếp tục đưa cách mạng tiến vào giai đoạn mới cao hơn. Năm 1940, nhân dân An Giang đã cùng cả Nam kỳ viết lên những trang sử vẻ vang của khởi nghĩa Nam Kỳ. Từ tháng 5/1945 trở đi, phong trào cách mạng có bước phát triển nhảy vọt. Khi thời cơ đến, đêm 24/8/1945, lực lượng cách mạng hầu như làm chủ hoàn toàn tại Long Xuyên. Sáng 26/8, chính quyền đã về tay nhân dân ở Châu Đốc. Cách mạng tháng Tám thành công, từ cuộc đời nô lệ, nhân dân ta đã vươn lên địa vị người dân tự do, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh mình.

Nhưng nền độc lập dân tộc vừa mới giành được đã phải đương đầu với những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua. 9 năm kháng chiến là thử thách khốc liệt đối với cả nước cũng như đối với Đảng bộ và nhân dân Long Xuyên - Châu Đốc. Trong cuộc kháng chiến thần thánh này, Đảng bộ và quân dân trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tích vẻ vang, góp phần đánh bại thực dân Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi chuyển phương châm và địa bàn hoạt động, Đảng bộ luôn xác định đúng vai trò to lớn của quần chúng, mặc dù đại đa số sống ở vùng bị tạm chiếm trong những năm chống Pháp và phần lớn là tín đồ các tôn giáo. Chính tư cách và phẩm chất cao quý của người cách mạng một lòng vì nước, vì dân đã tạo nên niềm tin và lòng cảm phục trong các tầng lớp nhân dân, khiến đồng bào hết lòng hết dạ nuôi chứa, che giấu, bảo vệ cán bộ, đảng viên dù biết có thể sẽ lâm vào cảnh tù đày, chết chóc… “Căn cứ nhân tâm” trong thời kỳ này đã chứng minh chân lý: Một khi Đảng vì lợi ích thật sự của nhân dân, của Tổ quốc thì được nhân dân tin yêu.

Suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân An Giang đã chịu đựng bao gian khổ, hiểm nguy, quyết tâm bám đất, giữ làng, kiên cường đánh bại các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù để cùng cả nước đi đến ngày toàn thắng. Nhiều tập thể và cá nhân vinh dự được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…                                

10 năm sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân tập trung sản xuất lương thực, nhưng chỉ tăng được 400.000 tấn, mới giải quyết được từ chỗ đói (Trung ương cứu trợ) đến chưa no. Chúng ta giành được thắng lợi chính trị to lớn, nhưng về kinh tế - xã hội, trước nhất là mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, còn gặp khó khăn chồng chất.

Trước đòi hỏi của cuộc sống, An Giang là một trong những địa phương dũng cảm đi đầu “xé rào” rất sớm. Điển hình là từ bao cấp giá đi đến 2 giá, rồi 1 giá (giá thị trường); xóa bỏ mọi rào cản từ sản xuất đến lưu thông (xóa cắt xâm canh, xóa các trạm kiểm soát ngăn sông cấm chợ); bù giá vào lương, xóa bỏ cấp lương bằng hiện vật; thay việc nộp ngân sách bằng thu thuế - nhất là ngoài quốc doanh; đổi mới tín dụng nhà nước; tách ngân khố quốc gia ra khỏi ngân hàng… Đặc biệt nhất là chủ trương đưa đất đai về cho nông dân làm chủ, máy móc được trả về cho người chủ biết sử dụng.

Kết quả là An Giang đã bứt phá đi lên ngoạn mục, là tỉnh luôn dẫn đầu về năng suất và sản lượng lương thực cũng như một số lĩnh vực khác, đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Sau 10 năm đổi mới (1986-1996), GDP tăng trưởng liên tục.

Đặc biệt là từ 1992-1995, GDP tăng trên 2 con số; sản lượng lương thực tăng 1,3 triệu tấn (bình quân tăng 130.000 tấn/năm); xuất khẩu từ 10 triệu USD lên 155 triệu USD; thu ngân sách trên địa bàn từ 2,23 tỷ đồng lên 725 tỷ đồng, bảo đảm tự cân đối chi thường xuyên, đồng thời còn đóng góp về Trung ương. Giai đoạn 1996-2000, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,88%. Giai đoạn 2001-2005, đạt 8,94%. Giai đoạn 2006-2010, tuy phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nhưng An Giang vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng 10,18%. Giai đoạn 2011-2015 đạt 8,63%. Gần đây, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015-2020 đạt 5,25%.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng tỉnh luôn quan tâm kết hợp nhiều nguồn lực ngân sách và xã hội triển khai đồng bộ các chính sách phúc lợi, an sinh xã hội, trước hết là giáo dục, y tế, việc làm, giảm nghèo… góp phần tạo nên nét văn hóa riêng cho An Giang - nét văn hóa về an sinh xã hội vì cộng đồng.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp, trong những năm gần đây, An Giang luôn đề cao và ra sức xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh. Các cấp ủy, tổ chức Đảng đổi mới nội dung, hình thức công tác chính trị, tư tưởng, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1832-2022), Đảng bộ và nhân dân An Giang nỗ lực xây dựng quê hương Bác Tôn ngày càng giàu đẹp; góp phần thực hiện thắng lợi khát vọng xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!

TRUNG THÀNH

 

Liên kết hữu ích