Theo sử sách ghi lại đầu tháng 12/1788, 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta. Ngày 22/12/1788, tại núi Bân, Nguyễn Huệ đã cho xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung năm thứ nhất rồi hạ lệnh xuất quân thần tốc tiến ra Bắc. Đại quân Tây Sơn có hơn 10 vạn người, trong đó phần lớn được tuyển chọn ở Thuận Hóa được xem là quân chủ lực xung kích tác chiến.
Hình ảnh tại buổi lễ.
Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), nghĩa quân Tây sơn dưới sự chỉ đạo của người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ bắt đầu mở cuộc tiến công đồn Ngọc Hồi, rồi tràn vào thành Thăng Long, chỉ trong vòng 5 ngày tổng tấn công đầu xuân tết Kỷ Dậu (25 đến 30/1/1789), các đạo quân Tây Sơn đã chiến đấu dũng cảm đánh bại quân xâm lược nhà Thanh. Với lối đánh tiến công thần tốc, bất ngờ, táo bạo và mãnh liệt, vua Quang Trung đã đại phá quân Thanh, giữ vững nền độc lập và chủ quyền của quốc gia dân tộc.
Tái hiện nghi lễ Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân
Lễ dâng hương và kỷ niệm 234 năm ngày Anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ lên ngôi và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa có nhiều ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng tôn kính và tri ân của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế đối với công lao hiển hách của người anh hùng dân tộc "áo vải cờ đào". Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của các thế hệ anh hùng dân tộc.
Lễ dâng hương kỷ niệm đã thu hút đông đảo cộng đồng nhân dân và du khách tham dự.
Nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng đã luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu của phong trào Tây Sơn và của vị anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Năm 1988, núi Bân được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia; đến năm 2008, khu tưởng niệm với tượng đài Quang Trung được xây dựng tại núi Bân và trở thành địa chỉ giáo dục, văn hóa, du lịch nổi tiếng tại Thừa Thiên Huế.
Theo Báo Điện Tử Tổ Quốc