Sản phẩm điêu khắc chìm trên dao Sakai. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)
Dao Sakai là một thương hiệu dao nổi tiếng của Nhật Bản với hơn 600 năm lịch sử gắn liền với địa danh Sakai, một thành phố thuộc tỉnh Osaka.
Cho đến nay, nghề làm dao thủ công ở đây vẫn giữ được những giá trị tinh túy nhờ duy trì được chất lượng cao, đa dạng về loại hình từ dao thông dụng cho đến dao chuyên dụng cho các đầu bếp chuyên nghiệp, đang ngày càng được người tiêu dùng trên khắp thế giới ưa chuộng.
Nghề rèn kim loại tại Sakai khởi nguồn từ thế kỷ thứ 5, khi một nhóm thợ thủ công từ nơi khác đến định cư và chế tạo các công cụ như cuốc, thuổng, chủ yếu phục vụ quá trình xây dựng cụm lăng mộ, nay là khu mộ cổ Nintoku Tenno Ryo Kofun.
Đến thế kỷ 16, khi súng và thuốc lá du nhập vào Nhật Bản, nghề rèn kim loại tại Sakai đã có bước phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất súng và dao cắt thuốc lá. Đây cũng là mốc đánh dấu sự khởi đầu nghề làm dao thủ công truyền thống của Sakai.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ông Doi Itsuo, một nghệ nhân làm dao truyền thống ở Sakai, cho biết ông bắt đầu học nghề làm dao thủ công từ chính người cha của mình và đến nay đã có hơn 50 năm kinh nghiệm.
Nghệ nhân Doi Itsuo rèn dao Sakai thủ công. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)
Theo ông, để có thể làm ra được một chiếc dao thủ công, người thợ phải có lòng say mê, tính tỉ mỉ và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc.
Ví dụ, riêng việc nung sắt để rèn dao cũng phải đảm bảo đủ nhiệt độ trung bình khoảng 850 độ C. Nếu nung ở nhiệt độ quá cao trong thời gian ngắn sẽ loại bỏ kết cấu carbon khỏi thanh thép, khiến cho dao khó mài và dễ gãy. Nhưng nung ở nhiệt độ thấp hơn tiêu chuẩn sẽ không thể đảm bảo tính liên kết của thép.
[Chiêm ngưỡng các tác phẩm gốm Yakishime độc đáo của Nhật Bản]
Thợ làm dao lành nghề là người có thể đánh giá nhiệt độ qua màu sắc của ngọn lửa chứ không chỉ dựa vào nhiệt kế.
Dao truyền thống Sakai được các thợ rèn chế tạo hoàn toàn thủ công từng chiếc từ thép carbon hoặc thép không gỉ, bao gồm các công đoạn nung nóng thanh kim loại thô, sau đó dùng búa dát mỏng nhiều lần để tăng độ bền, cuối cùng là công đoạn mài thủ công để tăng độ sắc nét, tinh xảo và hiệu quả sử dụng của sản phẩm.
Hiện tại, dao Sakai đang chiếm khoảng 90% thị phần các đầu bếp chuyên nghiệp ở Nhật Bản và đang không ngừng mở rộng ra thị trường nước ngoài.
Để gìn giữ nghề làm dao truyền thống, thành phố Sakai xây dựng một bảo tàng về dao là “Sakai Denshokan.”
Tại đây trưng bày những dấu tích từ xa xưa của nghề rèn Sakai nói chung và nghề làm dao truyền thống nói riêng, trong đó, biểu tượng đáng chú ý của bảo tàng này là sản phẩm “đèn chùm dao” được một nghệ nhân chế tạo từ 300 con dao Sakai.
Nghệ nhân Michiko Kubota khắc chìm trên dao Sakai. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)
Cùng với đó là các gian trưng bày nhiều loại hình dao khác nhau được chế tạo ở Sakai gắn với mục đích sử dụng cũng như mỗi giai đoạn phát triển của nghề dao truyền thống Sakai.
Dao Sakai ngày nay không chỉ giữ được những nét truyền thống đặc trưng lâu đời, mà còn được nâng tầm nghệ thuật với các sản phẩm điêu khắc tinh xảo chìm trên dao như hình cá chép, hoa anh đào, rồng, chùa cổ của Nhật Bản.
Chị Michiko Kubota, một nghệ nhân điêu khắc dao của công ty Aoki Hamono, cho biết: “Tôi đến với bộ môn nghệ thuật điêu khắc trên dao này bằng niềm đam mê và kỳ vọng các sản phẩm dao của Sakai nói chung và dao nghệ thuật nói riêng sẽ giới thiệu rộng rãi đến với thế giới.”
Không gian trưng bày Bảo tàng dao Sakai Denshokan. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)
Với một nghệ nhân lành nghề như chị Michiko Kubota, chỉ mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ là có thể hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc chìm trên dao.
Các sản phẩm này ngày càng được ưa chuộng ở thị trường nước ngoài này đã tạo nên những giá trị mới và đưa các sản phẩm dao sản xuất tại Sakai phổ biến rộng rãi hơn trên toàn thế giới.
Hiện tại, Công ty Aoki Hamono đã xây dựng mạng lưới hơn 50 nhà phân phối ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á và châu Đại dương với doanh số bán hàng ở thị trường nước ngoài đang chiếm khoảng 70% và tăng đều qua mỗi năm./.
Theo PHẠM TUÂN (TTXVN/Vietnam+)