Dấu ấn cầu Châu Đốc

23/04/2024 - 02:45

 - Hôm nay, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ thông xe cầu Châu Đốc, thuộc dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp. Công trình được đưa vào sử dụng góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Từ quy hoạch…

Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, ĐBSCL là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới, trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, hành lang kinh tế và đô thị động lực; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế…

 Ở tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1369/QĐ-TTg, ngày 15/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, An Giang là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh tế biên mậu phát triển mạnh…

Từ khi có Nghị quyết 13-NQ/TW và Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tỉnh đã tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ và 4 giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện 3 khâu đột phá, trong đó “Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch”, để trong tương lai không xa, An Giang thực sự là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia….

Thực hiện khâu đột phá về hạ tầng giao thông, những năm qua, đi cùng với việc triển khai nhiều công trình giao thông mang tính trọng điểm trên đường bộ lẫn đường thủy (như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên), tỉnh đẩy mạnh xây dựng khu công nghiệp; nâng cấp các cặp cửa khẩu từ cửa khẩu nội địa lên cửa khẩu quốc gia, quốc tế; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị để kết nối giao thông và mở rộng không gian đô thị.

Trong những dự án đó, có dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp. Dự án được đánh giá góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng ĐBSCL phát triển một cách nhanh chóng, tăng lượng du khách đến An Giang và các tỉnh lân cận. Sau 24 tháng thi công, gói thầu số 17 (gồm cầu và đường dẫn vào cầu) - một trong 3 gói thầu quan trọng của dự án đã được thi công hoàn tất, cầu được đưa vào sử dụng.

…Đến hiện thực hóa

Cầu Châu Đốc là cây cầu thứ 3 bắc qua sông Hậu (sau cầu Cần Thơ và cầu Vàm Cống), được khởi công ngày 28/3/2022. Công trình sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần thông tuyến Quốc lộ N1, kết nối các tỉnh Tây Nam Bộ (nằm trên trục hành lang biên giới) lại với nhau. Công trình được đưa vào sử dụng sẽ có tác động rất lớn đến quá trình kinh tế - xã hội của tỉnh, mang lại lợi ích to lớn cho cả vùng.

“Về mặt kinh tế, công trình góp phần thực hiện vai trò kết nối liên vùng, thu hút đầu tư, phát triển du lịch; kết nối các thành phố lớn trong khu vực lại với nhau. trong đó có TP. Phnom Penh (Vương quốc Campuchia); tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế biên mậu và kinh tế du lịch, kinh tế số…” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải chia sẻ.

Cầu Châu Đốc là công trình mang biểu tượng của An Giang trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: MINH HIỂN

Trong thu hút đầu tư, công trình sẽ giúp việc di chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, sản phẩm từ các nhà máy, xí nghiệp ở TX. Tân Châu, huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, các tỉnh trong khu vực ra biên giới, xuất khẩu sang Campuchia và các nước ASEAN được thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng hơn; rút ngắn thời gian vận chuyển trên 40 phút (so với qua phà).

Cầu Châu Đốc được thông xe, TX. Tân Châu và các địa phương lân cận sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy, xí nghiệp, công trình để sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa, góp phần phát triển công nghiệp, dịch vụ, tạo thêm việc làm cho người dân.

“Dịp lễ 30/4 năm nay, chúng tôi rất vui mừng bởi được đón nhận “niềm vui kép”: Vừa mừng đất nước 49 năm giải phóng, mừng cho khu vực biên giới có được cây cầu rất đẹp. Giờ đây, người dân quê lụa không còn “lụy đò”, Tân Châu không còn là “ốc đảo”” - ông Huỳnh Thanh Duy (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Mục tiêu xây dựng An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung trở thành vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước… mà Nghị quyết 13-NQ/TW đề ra dần trở thành hiện thực. Cùng với các công trình mang tính trọng điểm khác, cầu Châu Đốc sẽ góp phần quan trọng tăng trưởng vùng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

“Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, cùng với sự quyết tâm của chủ đầu tư, các ngành, địa phương, sau 24 tháng thi công, gói thầu số 17 đã hoàn thành, vượt tiến độ 9 tháng so kế hoạch đề ra” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết

 

MINH HIỂN