1. Thể chế chính sách về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện và đi vào cuộc sống
Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, phê duyệt đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tích cực triển khai đưa vào cuộc sống thông qua các hội nghị, hội thảo và các văn bản chỉ đạo điều hành.
Giờ học thực hành của sinh viên Trường cao đẳng Kiên Giang
Đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ban hành kế hoạch, chương trình, đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp… đã tạo thêm sức mạnh, thêm những giải pháp thiết thực từ thực tiễn, phù hợp từ cơ sở góp phần thực hiện thành công các chiến lược, đề án về giáo dục nghề nghiệp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hệ thống văn bản thể chế, chính sách về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang cho hoạt động quản lý của nhà nước cũng như hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rõ ràng, minh bạch.
Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã hoàn thiện, tham mưu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Ban Bí thư Chỉ thị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới". Hoàn thiện các đề án giai đoạn đến năm 2030 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành như: Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam…
Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2022/NĐ-CP ngày 06/4/2022, về việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong giáo dục nghề nghiệp; Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Đầu tư, Luật Việc làm… nói chung và trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành 9 Thông tư.
Hệ thống chính sách được hoàn thiện, nguồn lực cho phát triển được tăng cường tiếp thêm động lực mới cho chúng ta xây dựng một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, bền vững, sẵn sàng đào tạo cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề nghiệp cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
2. Duy trì mô hình và tăng cường năng lực cán bộ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Ngày 12/9/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2022/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, theo đó tiếp tục duy trì mô hình Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là đơn vị hành chính giúp Bộ trong hoạt động quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Với sứ mệnh đào tạo chiếm đến 75% nguồn nhân lực trực tiếp cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội, những năm qua, giáo dục nghề nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá là có những chuyển biến tích cực. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp xác định rõ “Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.”; đồng thời cũng đề ra mục tiêu: “Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn”.
Với sứ mệnh của mình, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang tích cực triển khai các giải pháp đổi mới hệ thống, kiện toàn, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, mạng lưới theo hướng tinh gọn, hiện đại, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng - vừa chuyên”. Trong năm 2022, với sự quan tâm của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục đã xét tuyển, thi tuyển thêm công chức và đặc biệt lần đầu tiên đã tiếp nhận biệt phái 3 sĩ quan quân đội của Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng để triển khai chỉ đạo công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp ngày càng hiệu quả hơn.
Mô hình Tổng cục được duy trì thể hiện rõ tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trực tiếp, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề nghiệp, thích ứng với yêu cầu ngày một cao của thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại; đồng thời thể hiện vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước nói chung và về giáo dục đào tạo nói riêng.
3. Tuyển sinh đào tạo vượt chỉ tiêu kế hoạch, với những phương thức đào tạo linh hoạt, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Các em học sinh Trường THCS Cù Chính Lan tham gia Ngày hội tư vấn hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, phối hợp cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức
Chương trình hỗ trợ và phát triển thị trường lao động đến năm 2030 ban hành tại Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.
Thực hiện nhiệm vụ đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang chủ động triển khai các giải pháp, trong đó chú trọng tới hoạt động truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp để giúp phụ huynh, người học hiểu hơn về nghề nghiệp, về ngành nghề để lựa chọn phù hợp. Không chỉ có vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn duy trì, đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, và hơn nữa là để phụ huynh, người học nhìn thấy hiệu quả, đầu ra có việc làm phù hợp, thu nhập ổn định. Đến nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chủ động tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tham gia ngay vào quá trình tuyển sinh, đặt hàng đào tạo, “đặt gạch” sinh viên tốt nghiệp, tuyển dụng sinh viên trước và ngay khi tốt nghiệp. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp đã tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thêm nguồn lực, có cơ hội đầu tư, tiếp nhận trang thiết bị đào tạo mới, công nghệ mới, tăng cơ hội cho học sinh, sinh viên tiếp cận với thực tế sản xuất sản phẩm.
Với mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, đa dạng, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực lao động có kỹ năng nghề phục vụ các chương trình phục hồi kinh tế của đất nước, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tích cực, chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, tăng cường kết nối doanh nghiệp, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nghề, chuyển đổi công việc của người lao động trong doanh nghiệp và thích ứng được với sự thay đổi của sản xuất, kinh doanh trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Triển khai các chương trình đào tạo hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg đến nay, theo báo cáo của các địa phương, đã có gần 500 doanh nghiệp có nhu cầu và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động trong cả nước, trong đó 88 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 35.000 lao động.
Triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đưa vào vận hành phần mềm cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ công trực tuyến và phối hợp với Tổ chức IOM xây dựng nền tảng học tập trực tuyến Công dân số thực hiện đào tạo và cấp chứng chỉ trực tuyến về Cuộc sống số, Dịch vụ số, Công nghệ số, Bảo mật… Với sự hợp tác của Tổ chức GIZ, bước đầu đã triển khai và đưa vào sử dụng nền tảng học liệu số, nâng cao năng lực sư phạm cho các nhà giáo trên môi trường số.
Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh trong năm 2022 được duy trì, đẩy mạnh ngay từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến các ngày hội tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh quy mô cấp tỉnh, cấp trung ương và đã thu hút được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng.
Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng tổ chức trực tiếp tại các trường THPT, THCS thông qua nhiều hình thức, nội dung như trải nghiệm nghề nghiệp, thực hành nghề, trắc nghiệm nghề nghiệp… đã giúp cho các em học sinh hiểu về nghề, hiểu về sở thích của mình với nghề nghiệp để có sự lựa chọn đúng với nghề nghiệp tương lai…
Nhờ có các giải pháp đồng bộ, phù hợp năm 2022 hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch khoảng 8,3%, góp phần tăng tỷ lệ nguồn nhân lực qua đào tạo, có văn bằng chứng chỉ qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
4. Chất lượng đào tạo nghề tiếp tục được cải thiện
Trong những năm qua, Tổng cục Giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp có trọng tâm nhằm phát huy thế mạnh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, có kỹ năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Hoạt động đảm bảo chất lượng được đẩy mạnh, tiếp cận theo chuẩn khu vực và quốc tế về chất lượng đào tạo và các tiêu chí đánh giá.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019 thực hiện, Trụ cột Kỹ năng của lao động Việt Nam tăng 4 bậc (từ 97 lên 93): trong đó chất lượng đào tạo nghề (tăng 13 bậc); Kỹ năng của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp (tăng 12 bậc); Mức độ đào tạo nhân viên và Mức độ dễ dàng tìm kiếm lao động lành nghề (cùng tăng 8 bậc); Tư duy phản biện trong giảng dạy (tăng 7 bậc);…
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ Việt Nam và Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam Gareth Ward thay mặt Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2021, khoảng 95% doanh nghiệp FDI cho biết chất lượng lao động đáp ứng được nhu cầu, 58% doanh nghiệp FDI đánh giá lao động là hoàn toàn và đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp FDI tin tưởng về tình hình cải thiện chất lượng lao động trong tương lai. Trên thang điểm 6, các doanh nghiệp FDI đánh giá về chất lượng giáo dục dạy nghề, với 4,4 điểm vào năm 2021 tăng 0,6 điểm so với kỳ đánh giá trước.
Tại Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2022 phiên bản đặc biệt diễn ra từ tháng 9-11/2022, lần đầu tiên đoàn Việt Nam giành được 02 Huy chương Bạc ở hai nghề Phay CNC và Tiện CNC. Kết quả đạt được của Kỳ thi một lần nữa khẳng định kỹ năng lao động Việt Nam tại đấu trường quốc tế.
Hoạt động hợp tác quốc tế đã mang đến nguồn lực mới, tạo động lực cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển, thông qua các chương trình hợp tác được ký kết giữa Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh tại Việt Nam và Bắc Ireland Gareth Ward; giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Viện Giáo dục Kỹ thuật Singapore.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã trực tiếp, làm việc với trên 60 đoàn khách quốc tế và cử các đoàn công tác chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm tại các hội nghị, hội thảo, cuộc họp trong và ngoài nước. Qua đó, đã kết nối giáo dục nghề nghiệp Việt Nam với các quốc gia và tổ chức quốc tế.
5. Các hoạt động truyền thông, tôn vinh người dạy, người học góp phần lan tỏa giá trị, khơi nguồn đổi mới sáng tạo trong giáo dục nghề nghiệp
Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp xác định nhiệm vụ truyền thông nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của giáo dục nghề nghiệp, với một trong những giải pháp là hình thành hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp với sự tham gia của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cơ sở đào tạo, người học, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội.
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tại Văn phòng Chính phủ, đoàn cán bộ quản lý và nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đã vinh dự cùng đại diện các nhà giáo trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp gặp mặt, trao đổi, thăm hỏi động viên và tặng quà.
Nhân kỷ niệm Ngày kỹ năng lao động Việt Nam 04/10, tại Hà Nội Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đã tổ chức Lễ báo công dân Bác và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôn vinh 54 nhà giáo tiêu biểu và 100 em học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu.
Các hoạt động khơi nguồn đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ nhà giáo và học sinh, sinh viên được tổ chức sôi nổi. Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc được tổ chức vào tháng 10 năm 2022 tại thành phố Vũng Tàu, đã thu hút 57 tỉnh, thành phố tham dự với tổng số 381 thiết bị của 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đó là kết quả của sự tìm tòi, đổi mới của các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong sáng tạo thiết bị đào tạo tự làm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Thúc đẩy và phát triển phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiêp - Startup Kite 2022 đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức và thu hút được 1.512 dự án tham gia dự thi vòng sơ tuyển cấp trường, 206 dự án thi vòng bán kết và 80 dự án được vào chung kết.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương tặng hoa các thí sinh đạt huy chương bạc kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2022
Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 đợt 2 được tổ chức vào tháng 7/2022 với 09 nghề đã thu hút 104 thí sinh đến từ 30 đoàn dự thi, kết quả lựa chọn được 11 thí sinh đoạt huy chương Vàng, 10 thí sinh đoạt huy chương Bạc, 11 thí sinh đoạt huy chương Đồng và 27 thí sinh đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.
Các hoạt động, sự kiện của giáo dục nghề nghiệp được truyền thông từ trung ương tới cơ sở theo sát, kịp thời đưa tin trước, trong và sau mỗi sự kiện. Các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đã vào cuộc tích cực, nhiều chuyên trang, chuyên mục về giáo dục nghề nghiệp đã được duy trì, phát sóng định kỳ hàng tuần, hàng tháng. Sử dụng mạng xã hội với vai trò là định hướng thông tin, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát huy thế mạnh của mạng xã hội để truyền tải chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; các hình ảnh, hoạt động tôn vinh nhà giáo, học sinh, sinh viên, các hình ảnh, nét đẹp của giáo dục nghề nghiệp.
Có thể khẳng định, không gian truyền thông, hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp với mục tiêu lan tỏa giá trị, thương hiệu, hình ảnh giáo dục nghề nghiệp đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền, của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế góp phần đưa giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận với thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam trên thị trường lao động.
Theo Đảng Cộng Sản